Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Với 454/455 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%), Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Sáng nay (28/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thực hiện quy trình để thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Kết quả có 454/455 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%), Quốc hội chính thức thông qua Luật này.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm; nguyên tắc phòng, chống mua bán người; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo, Luật quy định người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân thì đến UBND cấp xã, cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán. Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm đưa ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Cơ quan chuyên môn về LĐTB&XH cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp xã đã tiếp nhận thực hiện việc hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này.

Khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, với Cơ quan chuyên môn về LĐTB&XH cấp huyện thực hiện ngay việc tiếp nhận, hỗ trợ và chậm nhất là 3 ngày phải chủ trì phối hợp với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương xác minh thông tin ban đầu.

Sau khi xác minh thông tin ban đầu, nếu chưa có giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này thì Cơ quan chuyên môn về LĐTB&XH cấp huyện đề nghị Công an cấp huyện tiến hành xác minh nạn nhân.

Về đối tượng và chế độ hỗ trợ, Luật quy định nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ sau: Hỗ trợ nhu cầu thiết yếu; Hỗ trợ y tế; Hỗ trợ phiên dịch; Hỗ trợ pháp luật; Trợ giúp pháp lý; Hỗ trợ chi phí đi lại; Hỗ trợ tâm lý; Hỗ trợ học văn hóa; Hỗ trợ học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm; Trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Liên quan đến quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, Luật quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và trách nhiệm của UBND các cấp.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quoc-hoi-chinh-thuc-thong-qua-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-sua-doi-169241128140954288.htm