Quốc hội 'chốt' cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện

Sáng 27/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông trong đó chốt cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Vì điều khoản cấm tuyệt đối điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn còn nhiều ý kiến khác nhau nên theo điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, trước khi bấm nút thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông (Luật TTATGT), Quốc hội đã bấm nút thông qua riêng về khoản 2 điều 9 liên quan tới nội dung này.

Kết quả, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết, 357 đại biểu tán thành và 69 đại biểu không tán thành và 22 đại biểu không biểu quyết. Như vậy, đa số các đại biểu thống nhất cấm tuyệt đối việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đoàn chủ tịch biểu quyết thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Đoàn chủ tịch biểu quyết thông qua Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Sau đó, Quốc hội tiếp tục biểu quyết về Luật Trật tự An toàn giao thông. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 388 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 79,84%), như vậy, Quốc hội đã thông qua luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

Thành lập quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ

Luật cho phép hình thành quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ. Đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

Quỹ được hình thành từ các nguồn tài chính: Hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài; Từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ được chi cho các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, gia đình nạn nhân do TNGT đường bộ gây ra; tổ chức, cá nhân giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị TNGT đường bộ đi cấp cứu;

Hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ mà không được Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch;

Chỉ được chi hỗ trợ cho các hoạt động được quy định ở trên khi ngân sách Nhà nước chưa chi hoặc chi chưa đáp ứng yêu cầu.

Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này; quy định việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ giảm thiểu thiệt hại TNGT đường bộ.

Xe chở học sinh phải có thiết bị ghi hình, cảnh báo

Bên cạnh đó, trong luật cũng bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non bên trong và có chức năng cảnh báo nếu xảy ra bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới: "Căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, UBTVQH đã đề nghị Quốc hội cho bổ sung quy định đối với loại xe này".

Theo đó, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.

Xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 2 Điều 35 của Luật này; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe đáp ứng yêu cầu đối với thiết bị của xe quy định tại khoản 1 Điều này.

Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô.

Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.

Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quoc-hoi-chot-cam-tuyet-doi-nong-do-con-khi-dieu-khien-phuong-tien-192240627091933393.htm