Quốc hội chốt nâng tăng trưởng GDP vượt 8% với nhiều giải pháp đột phá

Sáng 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên.

Theo đó, Quốc hội đồng ý điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP trên 500 tỷ USD; GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,5-5%.

Vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển

Để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó lưu ý đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Chính phủ cần xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các nghị quyết của Bộ Chính trị.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó là ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ. Từ đó tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.

Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu…

Quốc hội cho phép bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn ngay trong năm.

Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Trường hợp cần thiết, Quốc hội cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ

Nhóm nhiệm vụ quan trọng được Quốc hội lưu ý là Chính phủ tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế

Trong đó, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

Đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI; kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin - cho”, đầu tư công dàn trải.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, Quốc hội yêu cầu tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…

Đồng thời, triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới. Trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm nay.

Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ; thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8 trong bối cảnh mới…

Khẩn trương xem xét, quyết định giải pháp đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông mang hộ chiếu phổ thông. Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa…

Tạo mọi điều kiện để chuyên gia giỏi phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.

Trong đó, Chính phủ cần tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn...

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương có giải pháp phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…; xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, “đầu tư tư - quản trị công”, bảo đảm quyền chủ động của nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó là tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi.

Chính phủ khẩn trương triển khai hiệu quả đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…

Đặc biệt là tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.

Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự hình thành, hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số, tạo thêm nhiều “việc làm số”…

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quoc-hoi-chot-nang-tang-truong-gdp-vuot-8-voi-nhieu-giai-phap-dot-pha-2372792.html