Quốc hội đồng ý gia hạn khoản nợ 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines

Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines.

Sáng 29/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, với 460/460 đại biểu tán thành. Đáng chú ý, theo nghị quyết, Quốc hội cho phép Vietnam Airlines được gia hạn trả nợ với khoản vay tái cấp vốn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả nợ với khoản vay 4.000 tỷ đồng của hãng hàng không quốc gia để khắc phục khó khăn trước mắt.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa 5 năm (gồm 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết 135 của Quốc hội).

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Vietnam Airlines xây dựng chiến lược phát triển toàn diện; khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines để sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh cơ cấu lại toàn diện Vietnam Airlines, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai giải pháp về cho vay tái cấp vốn. Các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát để thực hiện giải pháp này bảo đảm đúng quy định.

 Vietnam Airlines được Quốc hội đồng ý gia hạn khoản nợ 4.000 tỷ đồng. HVN.

Vietnam Airlines được Quốc hội đồng ý gia hạn khoản nợ 4.000 tỷ đồng. HVN.

Theo tờ trình của Chính phủ, từ tháng 7-12/2021, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị gần 4.000 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2023, hãng đã thanh toán đầy đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các tổ chức tín dụng. Theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay, Vietnam Airlines sẽ phải thanh toán toàn bộ số nợ gốc vay.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến 2023, Vietnam Airlines gặp khó khăn trong việc vừa khắc phục các hậu quả nặng nề của đại dịch, vừa phải đáp ứng những yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển trong khi nguồn lực tài chính suy giảm.

Dự kiến đến cuối năm nay, vốn chủ sở hữu công ty mẹ Vietnam Airlines và hợp nhất vẫn âm lần lượt 8.237 tỷ đồng và 13.108 tỷ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của Vietnam Airlines ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm nay.

Ngoài ra, dòng tiền trong năm nay của Vietnam Airlines dự kiến tiếp tục thâm hụt. Các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên Vietnam Airlines không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Do đó, Chính phủ đang đề nghị Quốc hội về việc Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần khi đến hạn trả với khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines. Theo đó, thời gian gia hạn dự kiến mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm (đã gồm 2 lần được gia hạn theo Nghị quyết 135/2020).

Theo Chính phủ, Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy, rủi ro lớn trong trường hợp không được gia hạn trả nợ khoản vay này. Đến hết tháng 5, tổng nợ vay của hãng khoảng khoảng 16.055 tỷ đồng, ước đến 30/6 là 15.604 tỷ đồng.

Nếu không được gia hạn, Vietnam Airlines có thể mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được cam kết của hãng với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ. Từ đó, hãng có thể bị kiện, giảm uy tín trước các đối tác.

Đồng thời, Vietnam Airlines cũng sẽ phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ và tiếp tục đơn phương giãn hoãn nợ với quy mô lớn, dẫn đến nguy cơ phá sản. Điều này có thể tạo ra hệ lụy như các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ trả nợ thay cho Vietnam Airlines. Đến 31/3, dư nợ vay bảo lãnh của Chính phủ là 331 triệu USD.

Năm nay, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển khoảng 22,64 triệu lượt hành khách, tăng gần 8% so với năm 2023 và bằng 99% năm 2019.

Về kế hoạch tài chính, Vietnam Airlines cho biết sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu và thu nhập, tiếp tục thực hiện quyết liệt việc quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.

Hãng hàng không quốc gia cũng sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) để bổ sung thu nhập và dòng tiền. Trước đó, hãng đã đưa vào dự kiến kế hoạch 2024 thu nhập thoái vốn TCS khoảng 1.700 tỷ đồng trên cơ sở thận trọng về giá trị và tiến độ thoái vốn.

Với các kế hoạch kể trên, Vietnam Airlines kỳ vọng đạt mục tiêu cân đối thu chi năm nay. Trong đó, công ty dự kiến tổng doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng, tăng 14% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 4.233 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận riêng công ty mẹ đạt 105 tỷ.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/quoc-hoi-dong-y-gia-han-khoan-no-4000-ty-dong-cho-vietnam-airlines.html