Quốc hội Đức bác bỏ dự luật Hạn chế nhập cư gây tranh cãi

Với 350 phiếu chống, 338 phiếu ủng hộ và 5 phiếu trắng, Quốc hội Đức đã bác bỏ dự luật Hạn chế dòng người nhập cư của phe đối lập do Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đề xuất.

Đề xuất 5 điểm do CDU/CSU đưa ra, gồm: Kiểm soát biên giới lâu dài; Từ chối tất cả các nỗ lực nhập cảnh bất hợp pháp mà không có ngoại lệ; Bắt giữ những người bắt buộc phải rời khỏi đất nước; Hỗ trợ nhiều hơn cho các bang trong việc thực thi nghĩa vụ trục xuất và thắt chặt quyền cư trú đối với tội phạm và những người gây ra mối đe dọa.

 Quốc hội Đức

Quốc hội Đức

Ứng cử viên được yêu thích nhất của đất nước để trở thành thủ tướng tiếp theo, Friedrich Merz, đã đề xuất một động thái yêu cầu, trong số những điểm khác, chấm dứt chương trình đoàn tụ gia đình đối với những người được bảo vệ bổ sung và tăng quyền hạn cho cảnh sát liên bang trong việc trục xuất người di cư.

Biện pháp này, kêu gọi Đức từ chối nhiều người di cư hơn nữa tại biên giới, đã gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ và sự chỉ trích công khai hiếm hoi từ cựu Thủ tướng Angela Merkel, người trước đây lãnh đạo CDU.

Đề xuất ban đầu đã được thông qua do phe đối lập nhận được sự ủng hộ của đảng cựu hữu Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD). Điều này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích từ các đảng chính thống cho rằng ứng cử viên Thủ tướng tương lai đang phá vỡ điều cấm kỵ lâu đời khi hợp tác với đảng chống nhập cư để thúc đẩy dự luật.

Bà Merkel gọi quyết định hợp tác với AfD của Merz là "sai" và cáo buộc ông đã phá vỡ cái gọi là "bức tường lửa" chống lại đảng này - một sự đồng thuận chính trị đạt được giữa các đảng khác của Đức nhằm ngăn chặn phe cực hữu nắm quyền.

Liên minh cầm quyền thiểu số gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh cũng phản đối gay gắt dự luật trên. Thủ tướng Olaf Scholz chỉ trích dự luật này là “sai lầm không thể tha thứ". Cuộc bỏ phiếu đã kéo dài sau các cuộc thảo luận căng thẳng tại Quốc hội.

Hàng chục nghìn người trên khắp nước Đức đã biểu tình phản đối quyết định của Merz và viễn cảnh đảng AfD giành được quyền lực, trong đó có khoảng 10.000 người tập trung tại Freiburg và khoảng 6.000 người bên ngoài trụ sở CDU tại Berlin.

Lãnh đạo đảng CDU nhấn mạnh rằng ông muốn thông qua các biện pháp của mình với sự bỏ phiếu từ "trung tâm dân chủ" nhưng nếu không có sự bỏ phiếu từ các đảng khác, ông sẵn sàng chấp nhận phiếu bầu từ AfD.

Lãnh đạo đảng CDU đã đưa vấn đề di cư trở thành trọng tâm trong chiến dịch của mình trước cuộc bầu cử của đất nước vào ngày 23.2.

Ông đã nhấn mạnh về vấn đề này hơn nữa sau khi một người xin tị nạn từ Afghanistan bị bắt vì vụ tấn công bằng dao khiến một người đàn ông và một bé trai 2 tuổi thiệt mạng tại thành phố Aschaffenburg, Bavaria vào tuần trước.

Đức là một phần của khu vực tự do đi lại Schengen gồm 29 thành viên, do đó, kiểm tra biên giới chỉ được phép trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc an ninh nội bộ.

Kiểm tra biên giới trong Schengen đã được áp dụng trước đây, như trong đại dịch Covid-19 và sau các cuộc tấn công khủng bố.

Vì lý do an ninh, các biện pháp kiểm soát biên giới đã được áp dụng ở Đức kể từ sau vụ tấn công bằng dao ở thành phố Solingen tháng 8.2024 mà nghi phạm cũng là một người xin tị nạn bị từ chối và đã được lên lịch trục xuất nhưng bỏ trốn.

Đây được coi là “biện pháp cuối cùng” trong luật của Liên minh châu Âu (EU) và chỉ được phép trong một thời gian giới hạn.

Với biên giới mở là trọng tâm của các nguyên tắc của EU, việc tuần tra liên tục trên biên giới dài 3.800 km của Đức là không được phép.

Quỳnh Vũ (Theo Euro News)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-duc-bac-bo-du-luat-han-che-nhap-cu-gay-tranh-cai-post403379.html