Quốc hội khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 2: Thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia, tập trung cho ý kiến về việc xác định các quan điểm, tầm nhìn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, 8h00 sáng 07/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 6/1.

Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%.

Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước.

Một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển đất nước.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế. Môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, Quy hoạch tổng thể quốc gia nêu ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Trong đó, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia...

Trước đó, về vấn đề này, phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ, bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên phạm vi cả nước; Chính phủ có trách nhiệm tổ chức lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khóa XV về giám sát tối cao công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã yêu cầu phải hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc xác định các quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; Dự báo xu thế phát triển và các kịch bản phát triển; Định hướng về phát triển không gian kinh tế - xã hội; không gian biển; định hướng sử dụng đất quốc gia, khai thác và sử dụng vùng trời, phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; định hướng phát triển ngành hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia trong thời kỳ; Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch…

Đồng thời, căn cứ Tờ trình, hồ sơ trình của Chính phủ, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, nếu đủ điều kiện, quyết định thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia theo thể thức tại một kỳ họp, bảo đảm tính khoa học và khả thi.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch Covid-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Cuối phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Diễn ra từ ngày 4/1 đến ngày 9/1, Kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết của Quốc hội khóa XV; cùng với những vận hội mới, thách thức mới của thời kỳ phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, kế thừa kinh nghiệm thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, sau quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung và điều kiện đảm bảo, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 được tổ chức để kịp thời có quyết sách cho những vấn đề quan trọng, cần thiết, cấp bách của đất nước.

(theo TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quoc-hoi-khoa-xv-ky-hop-bat-thuong-lan-thu-2-thao-luan-ve-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-tap-trung-cho-y-kien-ve-viec-xac-dinh-cac-quan-diem-tam-nhin-212494.html