Quốc hội kiến tạo thể chế, khai thông động lực tăng trưởng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã khép lại với những quyết sách mang tầm chiến lược. Bên cạnh việc tạo cơ sở pháp lý cho sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Kỳ họp còn ghi dấu ấn đậm nét với những quyết sách nhằm khơi thông điểm nghẽn thể chế, đặt nền móng vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước.

Các quyết sách tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã góp phần thúc đẩy đổi mới tư duy và hành động để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa

Các quyết sách tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã góp phần thúc đẩy đổi mới tư duy và hành động để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa

Kiến tạo không gian thể chế cho kinh tế phát triển

Trong 35 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XV. Quốc hội cũng đã thông qua 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, Kỳ họp thứ 9 là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập Hiến, lập pháp của Quốc hội khóa XV. Những quyết sách, đạo luật được thông qua tại Kỳ họp này mang tính cách mạng, là điểm khởi đầu cho các cải cách thể chế căn cơ, định hướng những nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Kỳ họp thứ 9 được coi là lịch sử không chỉ bởi khối lượng công việc về lập pháp rất lớn mà quan trọng là thay đổi hoàn toàn tư duy về lập pháp. Với kết quả của Kỳ họp, điểm nghẽn thể chế sẽ được tháo gỡ, là tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của năm 2025 mà còn là tiền đề cho bước phát triển đột phá trong những năm về sau.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Một trong những điểm nhấn nổi bật là việc Quốc hội đã xem xét, thông qua một loạt luật và nghị quyết nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện bốn nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị - được ví như “bộ tứ chiến lược” cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân xác định rõ: phát triển kinh tế tư nhân theo hướng hiệu quả, coi kinh tế tư nhân là “động lực chính” của nền kinh tế.

Không dừng lại ở định hướng, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ: Chậm nhất đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành việc rà soát, loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, những quy định chồng chéo, không phù hợp, gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; đồng thời, thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh - và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Đây là cam kết rõ ràng trong việc tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực, giải phóng năng lực sáng tạo, giúp khu vực tư nhân bứt phá mạnh mẽ.

Song hành với thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Quốc hội thông qua là bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tăng cường tính minh bạch, tự chủ và trách nhiệm trong hoạt động của doanh nghiệp. Với hàng loạt điểm mới về xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp…, Luật này tạo ra những thay đổi căn bản, giúp doanh nghiệp nhà nước chủ động, linh hoạt hơn trong phát huy vai trò dẫn dắt, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, Nghị quyết số 197/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, cùng việc thông qua Luật sửa đổi 8 luật liên quan đến tài chính, ngân sách, đầu tư... thể hiện rõ tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Khi thể chế - vốn được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” - được tháo gỡ, sẽ khơi thông niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào chính sách, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đòn bẩy cho tăng trưởng. Đồng thời, các luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo... cũng là những nền tảng pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới quản trị quốc gia và hội nhập quốc tế.

Tăng cường kỷ luật ngân sách, sử dụng hiệu quả các nguồn lực

Một nội dung quan trọng khác tại Kỳ họp là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023. Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại kéo dài chưa được khắc phục trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương về lập, chấp hành và quyết toán ngân sách. Đặc biệt, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa bảo đảm đầy đủ, kịp thời.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; xác định rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách. Đồng thời, khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với quyết toán NSNN năm 2023 và các năm trước đó; tiếp tục rà soát, xử lý, thu hồi triệt để về NSNN các khoản thu, chi, chuyển nguồn không đúng quy định theo kiến nghị của KTNN...

Nghị quyết của Quốc hội cũng tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của KTNN trong việc đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; tăng cường kiểm toán các khoản chuyển nguồn NSNN để siết chặt quản lý; nâng cao chất lượng ý kiến đối với dự toán, quyết toán ngân sách - làm cơ sở để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán hằng năm...

Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật NSNN (sửa đổi) với nhiều đổi mới đột phá là bước đi quan trọng, góp phần tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý, điều hành NSNN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Luật NSNN (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương chủ động phân bổ nguồn lực, quản lý chi tiêu công, nâng cao tính minh bạch, siết chặt kỷ luật tài chính - những yếu tố then chốt để phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh và nâng cao hiệu quả đầu tư công” - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) nhận định.

Đáng chú ý, từ ý kiến của ĐBQH và KTNN, Luật NSNN (sửa đổi) đã rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách từ 18 tháng xuống còn 12 tháng; quy định rõ thời hạn của từng bước trong quy trình quyết toán NSNN. Điều này góp phần tăng cường tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm của các cấp ngân sách, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác kiểm toán và thẩm tra quyết toán.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm, xử lý linh hoạt nguồn vốn đầu tư công; đồng thời, điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhận xét: Những quyết sách tại Kỳ họp thứ 9 sẽ mở ra một “luồng gió mới” để đất nước “cất cánh”, thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, điều mà cử tri và nhân dân kỳ vọng nhiều hơn chính là việc các quyết sách từ nghị trường sớm đi vào cuộc sống, được hiện thực hóa bằng hành động cụ thể, tạo hiệu quả thiết thực, tiếp thêm động lực cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước trong thời gian tới./.

N. HỒNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/quoc-hoi-kien-tao-the-che-khai-thong-dong-luc-tang-truong-41513.html