ĐB Quốc hội: nên giữ quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp

Sáng 14/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Một số đại biểu Quốc hội bày tỏ sự không đồng tình với việc bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã nhận định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Đề nghị sửa thêm nội dung ở Điều 114 Hiến pháp 2013

Theo đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) cho rằng, chủ trương của Đảng đã nêu rõ là xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở, xã, phường, đặc khu đối với hải đảo. Chủ trương này không làm giảm vai trò quản lý Nhà nước, quản trị xã hội mà tạo cơ sở để tinh giản tổ chức, tối ưu hóa nguồn lực, xóa bỏ tầng lớp trung gian, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời các yêu cầu đòi hỏi chính đáng của Nhân dân. Việc thể chế chủ trương này của Đảng trong Hiến pháp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn tỉnh Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Nghị quyết có biểu đạt là tổ chức chính quyền địa phương là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp dưới tỉnh, theo đại biểu Tô Văn Tám, nên thể hiện một cách biểu đạt khác đó là tổ chức chính quyền địa phương gồm hai cấp theo hướng là cấp tỉnh và cấp cơ sở như kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn tỉnh Vĩnh Long) đánh giá cao việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã được tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, được tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân. Đặc biệt, việc tăng cường vận động Nhân dân góp ý qua hệ thống VneID được cử tri rất ủng hộ và tích cực tham gia bằng hình thức này, bởi việc ứng dụng công nghệ số vào lấy ý kiến Nhân dân không chỉ là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013, dự kiến sửa đổi 8/120 Điều, đại biểu thống nhất với nội dung dự thảo trong đó việc sửa đổi bổ sung quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân.

Về quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong Dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Thụy Điển đã thực hiện việc sắp xếp, thu gọn đầu mối đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí hành chính mà vẫn gần dân, sát dân. Thực tiễn ở Việt Nam cũng đã thực hiện nhập một số đơn vị hành chính trên cả nước, cho thấy khả năng bảo đảm hiệu quả quản lý đối với đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn. Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển. Thực tế qua theo dõi thì đa số cán bộ, đảng viên, Nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế không phải chỉ phục vụ quản lý mà còn phải kiến tạo, do đó cần trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và địa phương trên tinh thần điều hành linh hoạt, thống nhất nền hành chính quốc gia.

Đề cập quy trình bầu, miễn nhiệm, điều động đối với chủ tịch HĐND tỉnh, ông cho rằng biết Dự thảo Luật Chính quyền địa phương (sửa đổi) đang quy định HĐND bầu chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND và ủy viên UBND và bãi nhiệm các chức vụ do mình bầu ra. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Chính phủ cách chức, điều động chủ tịch UBND tỉnh thì lại không cần HĐND bãi nhiệm.

“Quy định trên không sai tinh thần Hiến pháp nhưng thiếu logic, còn nếu tiến hành bãi nhiệm, xin ý kiến HĐND lại thành phức tạp khi điều hành” – đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Từ thực tế trên, ông đề nghị sửa thêm nội dung ở Điều 114 của Hiến pháp năm 2013, đồng thời sửa Điều 36 của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) theo hướng HĐND không bầu chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nữa mà giới thiệu chức danh này để Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn bổ nhiệm. Còn Chủ tịch UBND sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn sẽ giới thiệu Phó Chủ tịch và các thành viên khác của UBND để HĐND phê chuẩn một lần đầu nhiệm kỳ. Những lần sau thay đổi, điều động thì Chủ tịch UBND chỉ cần báo cáo HĐND là được, như thế đảm bảo logic và quyền điều động linh hoạt.

“Hiện theo Nghị quyết của Quốc hội sửa 8 điều của Hiến pháp năm 2013 thì Điều 114 cũng thuộc phạm vi sửa nhưng phần HĐND bầu UBND cùng cấp thì chưa sửa. Để thống nhất với Điều 36 và Điều 41 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần sửa thêm Điều 114 của Hiến pháp để cho HĐND giới thiệu chủ tịch UBND chứ không bầu” – đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu kiến nghị.

Không nên bỏ quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) bày tỏ sự không đồng tình với 2 lý do bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND), Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) được Ban soạn thảo nêu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, Ban soạn thảo đưa ra lý do, sắp tới, theo chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ không tổ chức TAND và VKSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND, VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. Lý do thứ hai là, tuy Hiến pháp không quy định thẩm quyền chất vấn, HĐND vẫn thực hiện được thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương (bao gồm giám sát hoạt động của TAND, VKSND và các cơ quan Nhà nước khác trên địa bàn) và HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Đại biểu cho rằng, lý do thứ 2 mâu thuẫn với lý do thứ nhất. Cụ thể, theo dự thảo nghị quyết, trong đổi mới cơ cấu sắp tới, bên cạnh TAND, VKSND khu vực, vẫn còn TAND, VKSND cấp tỉnh thì rất khó thuyết phục đại biểu HĐND cấp tỉnh và cử tri, vì cử tri không còn được quyền chất vấn người đứng đầu 2 cơ quan này như Hiến pháp 2013 quy định. Còn TAND, VKSND khu vực tuy không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nhưng những cơ quan đó vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những đơn vị hành chính cụ thể mà đại biểu HĐND là đại diện.

“Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu HĐND? Nếu vậy thì dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ? Và nếu vậy thì trước khi thông qua mô hình TAND, VKSND khu vực, đề nghị Quốc hội xem xét kỹ về việc tổ chức thực hiện giám sát đối với các cơ quan này” - đại biểu Kim Thúy nêu ý kiến.

Theo đại biểu, nếu đã cho rằng TAND, VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn thì thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của HĐND đối với những cơ quan tư pháp đó ở mức nào? Phải chăng thẩm quyền ấy chỉ ngang với thẩm quyền giám sát đối với các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn?

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 14/5. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên làm việc sáng 14/5. Ảnh: Quochoi.vn

“Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về lời trả lời của mình. Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri. Trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả hiếm hoi để đại biểu HĐND và rộng hơn là cử tri, Nhân dân địa phương yêu cầu thông tin, trao đổi trực tiếp với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND. Do đó, nhận định rằng “HĐND vẫn giám sát được” là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát” - đại biểu nêu rõ.

Nêu lập luận thực tiễn, đại biểu Kim Thúy cho rằng, nếu chưa nói đến trường hợp oan sai, mà chỉ nói đến những trường hợp bản án, quyết định của TAND tuyên không rõ, thì sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án. Đại biểu Kim Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới. Theo đại biểu, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình cho rằng, việc Hiến pháp bỏ quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND chưa phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Nghị quyết 27-NQ/TW nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan Nhà nước. Nghị quyết cũng đòi hỏi, sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực Nhà nước của Ðảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh, chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và Nhân dân. Nếu cho rằng việc chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án và Viện trưởng làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp thì sẽ rất khó lý giải quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC.

“Chất vấn của đại biểu HĐND không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của Chánh án và Viện trưởng. Việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp” - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng chỉ ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TCTAND và Luật sửa đổi, bổ sung Luật TCVKSND trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này thì mô hình tổ chức của TAND và Viện KSND có 3 cấp: Tối cao, cấp tỉnh và khu vực. Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án và Viện trưởng cấp tỉnh là phù hợp và khả thi.

Một số đại biểu cũng kiến nghị vẫn giữ nguyên chủ thể này được chất vấn như trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại khoản 5 Điều 33. Đồng thời bổ sung thêm đối tượng được chất vấn là: “các cơ quan Nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương” vào đối tượng được đại biểu HĐND chất vấn tại khoản 2 Điều 115”. Bởi đại biểu HĐND được chất vấn đối với các cơ quan Nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương, sẽ giúp cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực hiện chính sách, pháp luật và thực thi công vụ trên địa bàn được tốt hơn. Đồng thời, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp, phân quyền ngày càng mạnh cho các địa phương và bộ, ngành trung ương, trong đó có các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương, việc mở rộng đối tượng được chất vấn của đại biểu dân cử sẽ giúp cho HĐND nói riêng, cơ quan Nhà nước cấp trên tăng cường giám sát, kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực Nhà nước tại địa phương. Ngoài ra, thông qua chất vấn của đại biểu HĐND, làm rõ trách nhiệm, giải pháp của UBND, các cơ quan Nhà nước có liên quan, trong thi hành pháp luật và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tờ trình về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 194/2025/QH15, Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 xác định Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm có 2 điều.

Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/db-quoc-hoi-nen-giu-quy-dinh-ve-tham-quyen-chat-van-cua-dai-bieu-hdnd-voi-chanh-an-tand-vien-truong.703246.html