Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án luật
Sáng 9/11, tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổ thảo luận số 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, Nghệ An và Bắc Giang) tiến hành thảo luận ở tổ về các dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật Nhà Giáo. Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chủ trì buổi thảo luận. Cùng tham dự có đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội và các ĐBQH thuộc Tổ thảo luận số 3.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, ban hành các dự thảo luật nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý phù hợp điều chỉnh các quan hệ xã hội về việc làm, nhà giáo hiện nay.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ. Nhằm hoàn thiện dự án Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, rà soát, sửa đổi một số quy định của dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Tại Điều 3, quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo, đại biểu cho rằng một số quy định chưa thể hiện tính quy phạm, bắt buộc của pháp luật như: Nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục, được xã hội bảo vệ, kính trọng, tôn vinh. Nhà giáo có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực, xây dựng xã hội học tập và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…Đại biểu đề nghị nên đưa những nội dung này vào phần quan điểm, chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ, tôn vinh và phát huy vai trò của nhà giáo.
Về giải thích từ ngữ (Điều 4): Tại khoản 1, khoản 2 đề nghị phân biệt rõ giữa khái niệm giáo viên và giảng viên. Theo đại biểu, khái niệm giáo viên có giá trị bao trùm hơn, rộng hơn, sâu sắc hơn, bao hàm cả vấn đề về nghiệp vụ sư phạm, quy chuẩn đạo đức… trong khi đó, giảng viên chỉ là nhà giáo tham gia giảng dạy. Tại khoản 4, giải thích về cơ sở giáo dục ngoài công lập, đề nghị rà soát, biên tập lại cho súc tích và chính xác hơn, bảo đảm nội hàm “cơ sở giáo dục ngoài công lập là cơ sở không sử dụng ngân sách nhà nước”. Tại khoản 7, đề nghị xem xét, sử dụng thuật ngữ cho phù hợp vì hiện nay công chức, viên chức công tác trong ngành Giáo dục được điều chỉnh bởi Luật Công chức, Luật Viên chức. Do vậy, dự thảo sử dụng thuật ngữ “Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” là chưa phù hợp.
Đối với quy định tại Điều 5 về Nguyên tắc quản lý và phát triển nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung vào phần giải thích từ ngữ khái niệm Phát triển nhà giáo để làm rõ hơn nội hàm của vấn đề phát triển nhà giáo, phát triển về số lượng hay chất lượng?
Khoản 1, Điều 10 dự thảo Luật quy định: Đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học, cộng đồng. Như vậy, đạo đức nhà giáo bao gồm chuẩn mực về nhận thức, thái độ, hành vi… nhưng tại khoản 3 của Điều này giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhà giáo; đại biểu băn khoăn trong bộ quy tắc ứng xử này có bảo đảm bao gồm cả vấn đề về nhận thức, thái độ của nhà giáo không? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ vấn đề này…
Kết luận phiên thảo luận, đồng chí Đặng Ngọc Huy đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào các dự án luật, trên cơ sở đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét, tiếp tục hoàn thiện các dự án luật bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Thu Hằng
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-to-ve-2-du-an-luat-173804.bbg