Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng nay (22/11), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) sau đó các đại biểu tiến hành thảo luận 2 dự án luật trên tại tổ.

Tại tổ thảo luận số 3 các ĐBQH tỉnh Bắc Giang tham gia thảo luận cùng các đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi. Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chủ trì phiên thảo luận.

 Các đại biểu tại tổ thảo luận số 3.

Các đại biểu tại tổ thảo luận số 3.

Tại đây đã có 5 đại biểu nêu ý kiến bày tỏ thống nhất với việc hoàn thiện các quy định về chính sách thuế TNDN, thuế TTĐB nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN, thuế TTĐB nói riêng; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu (như bổ sung vào đối tượng chịu thuế đối với nước giải khát có đường, áp dụng thuế hỗn hợp đối với thuốc lá, tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia...), bảo đảm tính minh bạch nhằm góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế, bảo đảm thu đúng thu đủ vào ngân sách Nhà nước (NSNN)...

 Đại biểu Leo Thị Lịch góp ý tại tổ.

Đại biểu Leo Thị Lịch góp ý tại tổ.

Góp ý vào dự án Luật Thuế TTĐB, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ sự đồng tình với việc dự thảo Luật sửa đổi theo hướng luật hóa các quy định tại văn bản dưới Luật; đồng thời, loại trừ các loại điều hòa “theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay” ra khỏi diện chịu thuế. Đại biểu Leo Thị Lịch cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, không thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây. Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế TTĐB đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ thu thuế TTĐB đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân. Đồng thời, cần rà soát để bảo đảm tính đầy đủ, toàn diện trong việc loại trừ một số loại điều hòa ra khỏi diện chịu thuế vì còn có loại điều hòa khác được sử dụng để bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật.

Về nội dung sửa đổi Luật Thuế TTĐB theo hướng bổ sung “nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml” vào đối tượng chịu thuế. Đại biểu Leo Thị Lịch nhất trí với việc bổ sung này vào diện chịu thuế TTĐB để góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, mở rộng cơ sở thuế, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đồ uống và người tiêu dùng chuyển sang sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thay thế khác không có đường, góp phần hạn chế bệnh thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Tiến Hòa

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quoc-hoi-thao-luan-o-to-ve-du-an-luat-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-sua-doi-va-luat-thue-tieu-thu-dac-biet-sua-doi-150046.bbg