Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 481/484 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỉ lệ 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quang cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: daibieunhandan.vn

Quang cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: daibieunhandan.vn

Theo Nghị quyết, HĐND TP.HCM quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao UBND Thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. HĐND Thành phố quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ.

Danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP.HCM bao gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 2.000 tỷ đồng trở lên; có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Hoặc, nhà đầu tư có vốn điều lệ từ 9.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện dự án đầu tư quy định tại điểm c khoản 1 Điều này và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Về tổ chức bộ máy chính quyền, HĐND TP.HCM thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

UBND huyện thuộc Thành phố có không quá 3 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có không quá 3 Phó Chủ tịch.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023.

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/quoc-hoi-thong-qua-co-che-dac-thu-phat-trien-thanh-pho-ho-chi-minh-383096.html