Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Anh

Với tỷ lệ 94,25% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 25/6 Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Vương quốc Anh).

Sáng 25/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường (Ảnh:quochoi.vn)

Sáng 25/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường (Ảnh:quochoi.vn)

Theo đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh.

Trước đó, sáng ngày 08/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len theo Tờ trình số 02/TTr-CTN ngày 08/5/2024 của Chủ tịch nước (Văn kiện).

Đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh. Đại biểu cũng đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong thời gian qua đã làm việc liên tục với Vương quốc Anh để thống nhất một số nội dung rất quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà (Ảnh:quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà (Ảnh:quochoi.vn)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết phê chuẩn, thời điểm Quốc hội phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7, khóa XV và dự thảo Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, đồng thời cho rằng: Vương quốc Anh đã dành mức cam kết mở cửa thị trường đối với Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong CPTPP, cao hơn so với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) trong một số nội dung quan trọng đối với Việt Nam. Trong khuôn khổ gia nhập Hiệp định CPTPP, Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường.

Việc Quốc hội khóa XV phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Văn kiện, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam với Vương quốc Anh; khẳng định vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình, tiếp thu một số nội dung mà đại biểu quan tâm. Một số ý kiến đề nghị thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện, Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Chính phủ đã xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong dự thảo Kế hoạch thực hiện Văn kiện, trong đó đã bao gồm nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Văn kiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để đảm bảo việc thực hiện Văn kiện một cách đầy đủ và có hiệu quả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung tại Kế hoạch thực hiện Văn kiện nội dung tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP cũng như Hiệp định UKVFTA.

Có ý kiến đề nghị khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản pháp luật cần thiết của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương để thực thi các cam kết, đảm bảo triển khai đầy đủ, hiệu quả Văn kiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết (Ảnh:quochoi.vn)

Đại biểu ấn nút thông qua Nghị quyết (Ảnh:quochoi.vn)

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Báo cáo thuyết minh và dự thảo kế hoạch thực hiện Văn kiện gửi Quốc hội, Chính phủ đã giao các Bộ, ngành có liên quan tiến hành ngay việc rà soát, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi các cam kết của Việt Nam đối với Vương quốc Anh. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện các cam kết đúng thời hạn, các văn bản pháp luật này sẽ được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận thấy việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện tại Kỳ họp thứ 7 và khả năng sẽ có đủ 6 thành viên của CPTPP hoàn tất thủ tục phê chuẩn trước ngày 16/10/2024 thì Văn kiện sẽ sớm có hiệu lực (từ ngày 16/12/2024).

"Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh sửa Kế hoạch, xác định cụ thể thời gian hoàn thành các nội dung công việc về xây dựng pháp luật, thể chế để kịp thời triển khai thực hiện khi Văn kiện có Hiệu lực."- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho hay.

Tiếp thu những ý kiến, giải pháp mà các vị đại biểu Quốc hội đã nêu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát huy lợi thế của Việt Nam, các địa phương và doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội khi Văn kiện có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các nội dung này trong Kế hoạch thực hiện Văn kiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, căn cứ vào các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.

Với tỷ lệ 94,25% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh (Ảnh:quochoi.vn)

Với tỷ lệ 94,25% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh (Ảnh:quochoi.vn)

Trước đó, ngày 8/6/2024 thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Hoàng Ngân- đoàn TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Vương quốc Anh là một thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, cũng là một ủy viên quan trọng trong 5 thành viên của Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên trong nhóm G7 có GDP hiện nay đứng thứ 6 thế giới.

Do đó, việc đồng ý để Vương quốc Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len cũng đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Hiện Vương quốc Anh là đối tác giáo dục hàng đầu của Việt Nam, với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia ở 23 trường đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của Vương quốc Anh hết sức quan trọng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2023 đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,4% với năm trước, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,3 tỷ USD, tăng 4,6%. Tuy nhiên, tỷ trọng của thị trường Vương quốc Anh trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn chưa cao (mới chiếm chưa tới 2%).

Vương quốc Anh - một nền kinh tế lớn, có quy mô kim ngạch nhập khẩu mỗi năm lên đến 900 tỉ bảng Anh, vào Hiệp định CPTPP. Việc Việt Nam sớm phê chuẩn Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh không chỉ thể hiện thiện chí của Việt Nam, đồng thời còn mang lại nhiều cơ hội hợp tác và đảm bảo lợi ích giữa hai bên ở các khía cạnh về chiến lược và kinh tế trong cả trung hạn và dài hạn.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-phe-chuan-van-kien-gia-nhap-cptpp-cua-anh-328004.html