Quốc hội thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
Chiều 5/5, Quốc hội thống nhất tuyệt đối việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đặt nền pháp lý mới cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, phát triển đất nước.
Thống nhất cao chủ trương, hướng tới xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân
Chiều 5/5, với toàn bộ đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Kết quả biểu quyết đạt tỉ lệ tuyệt đối, thể hiện sự thống nhất cao về chủ trương cải cách thể chế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bối cảnh hội nhập.

Đại biểu Quốc hội tán thành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Ảnh: VPQH
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết, nhấn mạnh lần sửa đổi này tập trung vào việc hoàn thiện quy định liên quan đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Đây là những nội dung cấp thiết, nhằm hướng tới xây dựng một chính quyền hành động, phục vụ nhân dân, hiệu quả trong vận hành và mạnh mẽ trong quản lý.
Quốc hội cũng quyết định thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp để chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ chín.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, đặt người dân là trung tâm
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) khẳng định sau hơn mười năm triển khai thi hành, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện vai trò ổn định tổ chức bộ máy và phát huy dân chủ. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển nhanh chóng và yêu cầu tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức bộ máy đang đòi hỏi phải có những điều chỉnh về mặt hiến định.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, việc sửa đổi lần này đã tập trung đúng vào những điểm nghẽn then chốt, từ việc cải tổ mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự chồng chéo và tầng nấc trung gian, đến việc củng cố thực quyền giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, việc đưa nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vào Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, giúp việc triển khai trên thực tế thuận lợi hơn, đúng hướng và đúng luật.
Theo đại biểu, tinh thần xuyên suốt của lần sửa đổi này là kế thừa và đổi mới, đặt người dân vào trung tâm, để Hiến pháp thật sự là bản khế ước giữa Nhà nước và Nhân dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, phồn thịnh và dân chủ thực chất.

Có 452/452 (tỉ lệ 100%) đại biểu Quốc hội tham gia tán thành Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: VPQH
Tại phiên thảo luận tổ vào buổi sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp là nội dung rất quan trọng của kỳ họp lần này. Tổng Bí thư khẳng định, việc sửa đổi phải thực hiện đúng quy trình, đúng quy định, đặc biệt phải lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để bảo đảm tính dân chủ, toàn diện và thực chất.
Tổng Bí thư cũng đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan soạn thảo. Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, lần sửa đổi này tập trung vào một số điều cụ thể, đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt. Việc xem xét sửa đổi căn bản toàn bộ Hiến pháp chỉ nên thực hiện sau Đại hội Đảng lần thứ XIV, khi cương lĩnh và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo được xác lập rõ ràng.
Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9.