Quốc hội Ukraine thông qua dự luật rút khỏi hiệp ước cấm mìn sát thương cá nhân
Quốc hội Ukraine đã thông qua một dự luật đình chỉ sự tham gia của Ukraine vào Công ước Ottawa cấm sử dụng mìn sát thương cá nhân.

Bãi mìn của các lực lượng Liên bang Nga đang gây khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine. Ảnh: Anadolu
Báo The Kyiv Independent của Ukraine chiều 15/7, theo giờ địa phương, cho biết thông tin trên được nghị sĩ Yaroslav Zhelezniak đưa ra cùng ngày và quyết định liên quan được Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) thông qua với sự ủng hộ của 305 nghị sĩ, trong khi có 40 người bỏ phiếu trắng và không có phiếu chống.
Sau đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo ông đã ký ban hành luật đình chỉ sự tham gia của Ukraine vào Công ước Ottawa – hiệp ước cấm sử dụng mìn sát thương cá nhân.
Công ước Ottawa ra đời năm 1997, được hơn 160 quốc gia ký kết, cấm sử dụng, sản xuất, tích trữ và chuyển giao mìn sát thương cá nhân, nhằm bảo vệ dân thường khỏi những loại vũ khí nổ còn sót lại sau chiến tranh có thể gây thương vong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Theo ông Zelensky, Liên bang Nga chưa bao giờ là thành viên của Công ước Ottawa và nước này sử dụng mìn sát thương cá nhân một cách cực kỳ tàn nhẫn.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng nhờ các bước đi liên quan đến việc sử dụng một số loại vũ khí, đặc biệt là mìn sát thương cá nhân, Ukraine sẽ có thể đạt được ít nhất sự cân bằng về lực lượng và phương tiện cần thiết để phòng thủ hành động của Liên bang Nga.
Dẫn Điều 20 của Công ước Ottawa, tổ chức Human Rights Watch trước đây đã nhấn mạnh rằng việc rút khỏi Công ước Ottawa sẽ chỉ có hiệu lực sau nửa năm kể từ khi quốc gia ký kết thông báo với Liên hợp quốc, và không được phép rút khỏi công ước nếu quốc gia đó vẫn đang trong tình trạng xung đột vũ trang vào cuối khoảng thời gian đó.
Trước đó vào tháng 3/2025, các quốc gia Baltic và Ba Lan đã tuyên bố ý định rút khỏi Công ước Ottawa – một thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng, cho thấy các nước láng giềng của Ukraine đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh ở châu Âu.
Vào năm 2024, trong một động thái bất ngờ khiến Moskva (Moscow) tức giận, chính quyền Biden đã phê duyệt việc cung cấp mìn sát thương cá nhân cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là ông Lloyd Austin nói rằng điều này nhằm giúp Ukraine cản bước các đợt tấn công của Liên bang Nga ở miền Đông, trong bối cảnh tình hình chiến tuyến xấu đi.
Hiện nay, mìn sát thương cá nhân được rải khắp chiến trường ở Ukraine, khiến nhiều binh sĩ và dân thường bị mất chân tay do mìn nổ.
Các vùng lãnh thổ được Ukraine giải phóng từ năm 2022 bị rải mìn dày đặc, khiến việc gỡ mìn trở nên cực kỳ khó khăn và nguy hiểm.