Quy chuẩn 20 làm khó doanh nghiệp inox
Quy chuẩn 20 đang bảo hộ ngược, khiến các doanh nghiệp ưu tiên nhập hàng hóa thành phẩm thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất
Nhóm 28 doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thép không gỉ (inox) ngày 8-8 đã cùng ký đơn kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về việc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) "chưa phản ánh đúng đắn toàn bộ" các vấn đề được nêu ra trong cuộc đối thoại với DN vào ngày 13-7 vừa qua.
Bộ KH-CN báo cáo chưa đầy đủ?
Kiến nghị của DN gửi tới Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xoay quanh nội dung liên quan đến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN) do Bộ KH-CN ban hành (gọi tắt là Quy chuẩn 20). Đây là vấn đề đã được DN thép không gỉ phản ánh ngay từ thời điểm quy chuẩn được ban hành vào cuối năm 2019.
Theo các DN, tại Quy chuẩn 20, thép không gỉ được đưa vào danh mục hàng hóa nhóm 2 (nhóm tiềm ẩn khả năng gây hại) và phải được kiểm tra nhà nước. Cụ thể, thép không gỉ thuộc các mã HS quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Quy chuẩn 20 phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn 20 trước khi đưa ra thị trường.
Với quy định này, phần lớn nguyên liệu đầu vào cho ngành thép không gỉ sẽ buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khác và không được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (do DN công bố - PV).
Các DN cho rằng việc chỉ cho phép lưu thông trên thị trường các chủng loại thép không gỉ đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực mà dừng lưu thông các chủng loại thép đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở sẽ làm mất đi tính đa dạng của sản phẩm, làm mất đi khả năng cạnh tranh và xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường thép không gỉ dạng nguyên liệu, các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong đơn kiến nghị, nhóm 28 DN cũng nêu rõ ngày 7-6, họ đã gửi văn bản lên Phó Thủ tướng phản ánh sự bất cập của Quy chuẩn 20. Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo Bộ KH-CN khẩn trương làm việc với các DN để giải quyết vấn đề. Đến ngày 13-7, Bộ KH-CN tổ chức cuộc họp đối thoại với các DN, cùng sự tham gia của một số cơ quan liên quan.
"Sau cuộc đối thoại, chúng tôi được biết Bộ KH-CN đã có văn bản báo cáo kết quả cuộc họp với Phó Thủ tướng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy văn bản này chưa phản ánh đúng đắn toàn bộ các vấn đề được đặt ra trong cuộc làm việc" - nhóm 28 DN nêu rõ trong đơn kiến nghị.
Theo các DN, có 5 nhóm vấn đề và câu hỏi trong cuộc họp mà Bộ KH-CN chưa phản ánh trong văn bản báo cáo. Thứ nhất, vì sao Bộ KH-CN không thông báo cũng như lấy ý kiến các DN khi soạn thảo Thông tư 15/2019/TT-BKHCN (ban hành Quy chuẩn 20), trong khi DN thép là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất của văn bản này? Thứ hai, vì sao Bộ KH-CN lại đưa thép không gỉ vào diện hàng hóa nhóm 2 phải quản lý, trong khi mặt hàng này không tiềm ẩn khả năng gây hại cho con người, tài sản, môi trường cũng chưa được báo cáo đầy đủ trong văn bản Bộ KH-CN gửi Phó Thủ tướng?
Thứ ba, vì sao Bộ KH-CN cho rằng Quy chuẩn 20 giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi quy chuẩn này đang cấm người tiêu dùng mua sản phẩm thép bình dân, giá rẻ phù hợp với nhu cầu của họ mà phải mua hàng hóa đắt hơn. Như vậy là đang xâm phạm quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng chứ sao lại là bảo vệ họ?
Thứ tư, vì sao Bộ KH-CN lại cấm sản phẩm của DN thép không gỉ lưu thông, trong khi sản phẩm của nhóm 28 DN này vẫn được nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á nhập khẩu bình thường? Thứ năm, vì sao Bộ KH-CN cấm nhập khẩu thép không gỉ của 28 DN làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại cho phép nhập khẩu đồ gia dụng và hàng hóa làm từ thép không gỉ này? Như vậy có phải là bảo hộ hàng hóa nhập khẩu so với hàng hóa của DN sản xuất trong nước hay không?
Theo nhóm 28 DN thép không gỉ, 5 nhóm vấn đề nêu trên Bộ KH-CN hứa trả lời bằng văn bản, tuy nhiên đến ngày 8-8 các DN vẫn chưa nhận được phản hồi.
Kiến nghị bãi bỏ Quy chuẩn 20
Liên quan đến Quy chuẩn 20, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng có văn bản gửi Bộ KH-CN cho biết VCCI đã nhận được ý kiến của nhiều DN sản xuất và kinh doanh thép không gỉ tại Việt Nam phản ánh bất cập của quy chuẩn nói trên.
Văn bản do ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI, ký nêu rõ việc đưa thép không gỉ vào danh mục hàng hóa nhóm 2 và phải kiểm tra nhà nước theo Quy chuẩn 20 là chưa phù hợp. Ông Tuấn dẫn điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 quy định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa "tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường".
Trong khi đó, thép không gỉ là nguyên liệu để sản xuất ra các loại hàng hóa khác, trong đó có nhiều mục đích không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như làm đồ trang trí, bàn, ghế, khung tranh, cửa sổ, thùng rác, tay vịn cầu thang…
VCCI cũng cho rằng Quy chuẩn 20 xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng khi hạn chế quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu. "Nếu như trước đây người tiêu dùng được chủ động lựa chọn hàng hóa với chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu thì nay Quy chuẩn 20 đã loại bỏ một số loại thép có giá thành rẻ, buộc người tiêu dùng phải bỏ nhiều tiền hơn để mua sản phẩm được làm từ inox có chất lượng cao hơn so với nhu cầu" - VCCI nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, VCCI cũng nhận thấy Quy chuẩn 20 đang tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu thay vì hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Các quy định tại Quy chuẩn 20 khiến thép không gỉ không thể được nhập khẩu để làm nguyên liệu gia công hàng hóa trong nước. Tuy nhiên, hàng hóa sử dụng loại thép này lại không cần kiểm tra theo Quy chuẩn 20 và được nhập khẩu bình thường.
Như vậy, Quy chuẩn 20 đang bảo hộ ngược, khiến các DN ưu tiên nhập hàng hóa thành phẩm thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất. "Nhiều DN gia công thép không gỉ trong nước phản ánh tình trạng họ mất toàn bộ thị phần trước hàng hóa nhập khẩu do không thể nhập nguyên liệu để sản xuất" - VCCI lo ngại.
Từ những phân tích trên cùng với bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ chỉ đạo mạnh mẽ các bộ ngành tích cực rà soát các vướng mắc pháp lý nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, VCCI kiến nghị Bộ KH-CN bãi bỏ Quy chuẩn 20; bỏ thép không gỉ ra khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ KH-CN.
DN giảm sản lượng, hàng ngàn công nhân mất việc
Theo các DN, từ đầu năm 2023 đến nay, do quy chuẩn này, các DN đã bị sụt giảm sản lượng, hoạt động cầm chừng khiến hàng ngàn công nhân mất việc làm và có thể sẽ phải dừng hoạt động nếu không được tháo gỡ khó khăn này. Do vậy, các DN kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xem xét chỉ đạo Bộ KH-CN khẩn trương bãi bỏ hoặc sửa đổi Quy chuẩn 20 để các DN có thể hoạt động trở lại.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/quy-chuan-20-lam-kho-doanh-nghiep-inox-20230809210624245.htm