Quy chuẩn đường cao tốc: Phải đảm bảo xe chạy liên tục với tốc độ cao và an toàn
Chúng ta đã có tiêu chuẩn về đường cao tốc được ban hành năm 2012, đã tiệm cận được những điều kiện tối thiểu của đường cao tốc rồi, thế nhưng hiện nay việc vận dụng của chúng ta chưa tuân thủ hết cái đó.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành công điện về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên hiện nay Việt Nam đã có tiêu chuẩn về đường ô tô cao tốc, tiêu chuẩn này liệu còn phù hợp và việc quy dựng quy chuẩn đường cao tốc cần lưu ý những vấn đề gì? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh nội dung này.
PV: Thưa ông, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, được biết hiện nay chúng ta đã có tiêu chuẩn về đường ô tô cao tốc TCVN 5729 : 2012. Vậy theo ông tiêu chuẩn này có còn phù hợp trong điều kiện hiện nay hay không?
Ông Trần Chủng: Trước hết chúng ta phải định nghĩa rõ, theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam có 2 loại tài liệu, tài liệu thứ nhất là quy chuẩn kỹ thuật và tài liệu thứ hai là tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia. Ý nghĩa của quy chuẩn là đưa ra những điều kiện tối thiểu hoặc tối đa phải thỏa mãn, còn tiêu chuẩn nó hướng dẫn để làm sao có thể thiết kế và thi công đạt yêu cầu tối thiểu hoặc tối đa.
Như vậy quy chuẩn hiện nay cũng là một loại hình tài liệu kỹ thuật rất mới ở VN và cũng có một số ngành, ví dụ như ngành xây dựng dân dụng đang áp dụng, phổ biến hiện nay là Quy chuẩn 02 là quy chuẩn về điều kiện tự nhiên của VN như gió, bão, động đất…
Vậy nên bất kỳ công trình nào xây dựng ở VN đều phải sử dụng số liệu của quy chuẩn 02 này. Quy chuẩn 02 đưa ra điều kiện tối thiểu từ đó sẽ thiết kế, sau đó thiết kế công trình cụ thể sẽ có những tiêu chuẩn, các số liệu về gió, bão đều phải lấy từ quy chuẩn này.
Và hiện nay chúng ta đã có tiêu chuẩn về đường cao tốc được ban hành năm 2012, nó đã tiệm cận được những điều kiện tối thiểu của đường cao tốc rồi, thế nhưng hiện nay việc vận dụng của chúng ta chưa tuân thủ hết cái đó. Trong đó định nghĩa về đường cao tốc khá chuẩn, yêu cầu tối thiểu là phải đảm bảo giao thông và mục đích cuối cùng của quy chuẩn là đạt những điều kiện ấy để đảm bảo an toàn và sự bền lâu cho công trình.
Theo tôi tiêu chuẩn về đường cao tốc hiện nay vẫn đang còn nguyên giá trị. Những tiêu chuẩn về đường cao tốc hiện nay đã quy định khá đủ, từ thiết kế tuyến cho đến công trình cụ thể, thiết kế để đảm bảo an toàn đều đã có.
PV: Như ông vừa cho biết thì các tiêu chuẩn hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Vậy theo ông khi xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc cần lưu ý những vấn đề gì?
Ông Trần Chủng: Theo tôi nếu xây dựng quy chuẩn mới về đường cao tốc thì cần phải lập Đề án để xây dựng quy chuẩn, trong đó phải làm rõ mục tiêu sẽ giải quyết những vấn đề cụ thể gì, phạm vi và nội dung chi tiết của quy chuẩn là gì?
Đồng thời trong quá trình biên soạn cần phải tham vấn những tiêu chuẩn tương ứng của quốc tế, bởi vì quy chuẩn đưa ra, nếu sau này có DN nước ngoài tham gia thiết kế cao tốc sẽ phải tuân thủ quy chuẩn ấy.
Theo Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn bắt buộc phải áp dụng, còn tiêu chuẩn đôi khi có thể tự nguyện lựa chọn tiêu chuẩn nào thích hợp để áp dụng cho dự án. Tôi nghĩ để có thảo luận chi tiết hơn thì phải có nền là thiết kế sơ bộ của quy chuẩn ấy, thì từ đó các nhà khoa học sẽ thảo luận và lựa chọn nội dung mà chúng ta tiến hành.
PV: Vậy theo ông khi xây dựng quy chuẩn cần lưu ý các quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, tốc độ thiết kế... như thế?
Ông Trần Chủng: Tất cả những nội dung này chính là tiêu chuẩn hiện hữu đã quan tâm tất cả điều đó rồi, từ đó quy định ra đường cao tốc của VN có mấy loại. Hiện nay tiêu chuẩn quy định có 4 loại đường cao tốc.
Hiện nhiều người cứ nghĩ rằng đường cao tốc thì tốc độ là quan trọng, nhưng đường cao tốc nó có ý nghĩa cơ bản là xe chạy với vận tốc cao liên tục. Cho nên trong điều kiện nhất định về môi trường, không gian, địa mạo, lưu lượng xe...đường cao tốc có thể quy định tốc độ khác nhau, hiện nay VN đang quy định 4 loại tốc độ 60km/h, 80km/h, 100km/h và 120km/h.
Như vậy nếu xe chạy trên đường cao tốc quy định như vậy nó phải chạy liên tục và để chạy được với các tốc độ tương ứng như trên thì cấu tạo của mặt cắt đường đều giống nhau, có thể 3 làn xe, 4 làn xe hoặc 8 làn xe, trên cơ sở lưu lượng xe và nhu cầu để chọn số làn xe tương ứng.
Và đã là đường khẩn cấp thì bao giờ cũng phải có làn dừng khẩn cấp, nhưng cũng có một số quốc gia họ vẫn dùng biển khẩn cấp, vấn đề quan trọng là tổ chức giao thông và đảm bảo ATGT của toàn tuyến là rất quan trọng để xe có thể chạy liên tục trên tuyến với tốc độ cao trong suốt cả hành trình.
PV: Xin cảm ơn ông.