Quy định khắt khe của Anh về vệ sinh an toàn thực phẩm học đường
Các quy định của Anh nhấn mạnh vấn đề sức khỏe và an toàn trong quá trình chuẩn bị và chế biến thực phẩm cho học sinh.
Về khung pháp lý, có rất nhiều luật và quy định liên quan đến việc chuẩn bị và chế biến thực phẩm ở Anh. Đạo luật An toàn thực phẩm 1990 cho phép các cán bộ thực thi nhiệm vụ, như nhân viên y tế, có quyền kiểm tra chất lượng thực phẩm và việc đảm bảo vệ sinh tại các cơ sở chế biến học đường.
Nếu thực phẩm bị phát hiện có vấn đề hoặc sử dụng bất kỳ nguyên liệu nào không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn, cơ sở cung cấp có thể bị truy tố trước tòa và lĩnh án phạt tiền hoặc giam giữ, đồng thời phải bồi thường cho các trường.
Ngoài ra, các cơ quan cung cấp phải tuân thủ Quy định Vệ sinh thực phẩm (sửa đổi) 1990, Quy định Ghi nhãn thực phẩm (sửa đổi) 1990, Quy định Cơ sở thực phẩm 1991...
Về vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là một khía cạnh quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tật. Nhận thức không đầy đủ về việc vệ sinh tốt trong quá trình chế biến thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm ở trường học.
6 nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là: (1) không đảm bảo vệ sinh quá trình trong bảo quản, chuẩn bị hoặc xử lý thực phẩm; (2) vệ sinh cá nhân kém / người xử lý thực phẩm mang mầm bệnh; (3) chuẩn bị thức ăn sớm, sau đó để ở nhiệt độ trong phòng; (4) nấu chưa chín hoặc không hâm nóng thức ăn đến nhiệt độ đủ cao; (5) lây nhiễm chéo từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín; (6) không giữ thức ăn nóng trên 63ºC, khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt trong quá trình nấu ăn.
Ngộ độc thực phẩm là một căn bệnh nguy hiểm theo đạo luật Y tế công cộng (Kiểm soát dịch bệnh) 1984. Bác sĩ có trách nhiệm chẩn đoán bất kỳ bệnh truyền nhiễm đáng chú ý nào và phải thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đó có thể là cơ quan tư vấn địa phương trong việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC) hoặc một cán bộ y tế cấp cao. Khi bùng phát ngộ độc thực phẩm trong trường học, nhà trường phải tìm đến những cơ quan này.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, người sử dụng lao động (nhà trường) có trách nhiệm chung trong việc duy trì một môi trường an toàn và lành mạnh, đồng thời cũng chịu trách nhiệm gián tiếp về các hành vi hoặc thiếu sót của nhân viên.
Giáo viên có nghĩa vụ chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc học sinh. Theo mục 7 của đạo luật Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc 1974, nhân viên (giáo viên) có nghĩa vụ "quan tâm hợp lý đến sức khỏe và sự an toàn của bản thân và của những người khác".
Về quy trình dọn dẹp vệ sinh, bất cứ nơi nào thực phẩm được chế biến hoặc phục vụ, cần thiết lập các quy trình vệ sinh an toàn và đầy đủ để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu. Dù những nhiệm vụ này được thực hiện bởi học sinh, giáo viên, người trông trẻ, nhân viên căng tin, người giám sát giờ ăn trưa hay nhân viên vệ sinh, điều quan trọng là tất cả những người có liên quan phải nhận thức được những thói quen này và luôn tuân thủ chúng.
Một số nguyên tắc như: Cần rửa tay trước và sau khi thực hiện quy trình vệ sinh, và cân nhắc việc đeo găng tay bảo vệ trong một số trường hợp nhất định (lưu ý rằng một số loại găng tay cao su có thể gây sốc phản vệ khi người dùng bị dị ứng hoặc nhạy cảm da), sử dụng bất kỳ chất tẩy rửa nào có tính ăn mòn hoặc kích ứng đều phải được đánh giá dựa trên quy định Kiểm soát các chất có hại cho sức khỏe (COSHH).
Bảo Huy (Theo NEU UK)