Quy định mới nhất về mức phạt xe máy chở hàng cồng kềnh, người vi phạm có thể mất đến 14 triệu đồng
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh có thể bị phạt đến 14 triệu đồng.
Thế nào là chở hàng cồng kềnh?
Theo Điều 17 Thông tư 39/2024/TT-BGTVT quy định về chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ như sau:
- Chiều rộng xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là chiều rộng của thùng xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe.
- Chiều dài xếp hàng hóa cho phép trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không được lớn hơn 1,1 lần chiều dài toàn bộ của xe theo thiết kế được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe và không lớn hơn 20,0 mét.
- Xe ô tô chở người không được phép xếp hàng hóa, hành lý nhô ra quá kích thước bao ngoài của xe và không được xếp hàng hóa, hành lý trên nóc xe (trừ trường hợp có thiết kế được cơ quan đăng kiểm chứng nhận) để đảm bảo an toàn giao thông.
- Xe mô tô, xe gắn máy: Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
- Xe thô sơ: Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Theo Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy như sau:
Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét.
Theo Điều 31 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người điều khiển, người được chở, hàng hóa xếp trên xe thô sơ như sau:
Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Hàng hóa xếp trên xe không vượt quá 1/3 chiều dài thân xe và không vượt quá 01 mét phía trước và phía sau xe; không vượt quá 0,4 mét mỗi bên bánh xe.
Như vậy, phương tiện chở hàng hóa vượt quá kích thước quy định dưới đây được xem là chở hàng cồng kềnh. Cụ thể:
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy: Không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5 mét theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 02 mét.
- Đối với xe thô sơ: Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Hàng hóa xếp trên xe không vượt quá 1/3 chiều dài thân xe và không vượt quá 01 mét phía trước và phía sau xe; không vượt quá 0,4 mét mỗi bên bánh xe.
Theo quy định nêu trên, hàng hóa được xếp trên xe không đúng với quy định trên được xem là chở hàng cồng kềnh và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Năm 2025, xe máy chở hàng cồng kềnh bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Điểm e Khoản 3 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi:
Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh.
Trường hợp, người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh mà gây tai nạn giao thông thì mức phạt sẽ từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
Như vậy, người điều khiển xe có hành vi chở hàng cồng kềnh sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng, trường hợp chở hàng cồng kềnh mà gây tai nạn thì mức phạt là từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.