Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ Cục Đường sắt VN
Bộ GTVT ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Cục Đường sắt VN.
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 387/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sắt VN.
Lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết, quyết định mới đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ mà các quyết định trước đây chưa quy định, nhưng Cục Đường sắt VN đang tổ chức thực hiện từ năm 2021 đến nay, đó là thay mặt Bộ GTVT đặt hàng hợp đồng bảo trì hạ tầng đường sắt với Tổng công ty Đường sắt VN; Tổ chức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng khi được giao.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Đường sắt VN được quy định tại 24 khoản trên các lĩnh vực. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc chuyên ngành GTVT đường sắt trong phạm vi cả nước. Chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn... về GTVT đường sắt. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về GTVT đường sắt.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; về vận tải, phương tiện, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, ATGT, đầu tư xây dựng, môi trường, KHCN, hợp tác quốc tế...
Cụ thể, về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt, Cục Đường sắt VN có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì tài sản KCHT đường sắt theo quy định và thẩm quyền; Kiểm tra, rà soát kế hoạch và dự toán kinh phí quản lý, bảo trì KCHT đường sắt hàng năm, trung hạn (hoặc theo kỳ kế hoạch) trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định. Quản lý Nhà nước đối với tài sản KCHT đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao.
Chủ trì thẩm tra, trình Bộ trưởng quyết định việc đưa vào khai thác, dừng khai thác tuyến, đoạn tuyến, ga đường sắt quốc gia và việc kết nối đường sắt chuyên dùng, đường sắt đô thị (nếu có) với đường sắt quốc gia. Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền việc công bố, phân loại, đặt tên, điều chỉnh, đóng, mở, tháo dỡ, đưa vào khai thác, dừng, tạm dừng khai thác công trình đường sắt theo quy định của pháp luật...
Về hoạt động vận tải đường sắt, Cục Đường sắt VN có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải đường sắt; Hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ga đường sắt có tham gia hoạt động liên vận quốc tế thực hiện quyền và nghĩa vụ theo các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu trên đường sắt quốc gia. Thẩm định kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội hàng năm của doanh nghiệp; Theo dõi về vận tải an sinh xã hội, tổ chức kiểm tra xét duyệt quyết toán chi phí thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, chạy tàu an sinh xã hội...
Trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, Cục Đường sắt VN thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyết định đầu tư, chủ đầu tư đối với các dự án được giao quản lý theo phân cấp. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực GTVT đường sắt theo hình thức đối tác công tư theo phân cấp hoặc ủy quyền của Bộ trưởng...