Quy định mới về quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2025/NĐ-CP ngày 3/2/2025 về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết, Nghị định số 15/2025/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, nhằm phù hợp hơn với thực tiễn.

Theo Nghị định số 15/2025/NĐ-CP của Chính phủ, vốn bảo trì đường sắt được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thực hiện.

Theo Nghị định số 15/2025/NĐ-CP của Chính phủ, vốn bảo trì đường sắt được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia thực hiện.

Điểm mới nổi bật của Nghị định 15 là nêu rõ chủ thể trong quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và giao vốn bảo trì đường sắt; cùng đó bổ sung nội dung quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.

Nghị định xác định rõ: Toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hiện có được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Toàn bộ tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị hiện có (trừ các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị đã giao cho doanh nghiệp quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp) được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo hình thức không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối với quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, kinh phí do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Trên cơ sở quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan, người có thẩm quyền, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách Nhà nước cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt quốc gia (doanh nghiệp).

Doanh nghiệp được thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật; việc đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; việc đặt hàng thực hiện theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước.

Về khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, doanh nghiệp có thể trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; Cho thuê quyền khai thác tài sản; Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Đối với quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, Nghị định 15 quy định: Hình thức, tổ chức quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thực hiện theo quy định của pháp luật về đường sắt, pháp luật về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Kinh phí quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị do ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Về tổ chức thực hiện bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị có trách nhiệm lập dự toán chi ngân sách Nhà nước về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu tài sản đường sắt đô thị (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổng hợp, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Trên cơ sở quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước của cơ quan, người có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt đô thị theo quy định.

Doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt được thực hiện việc đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công theo quy định của pháp luật; việc đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; việc đặt hàng thực hiện theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-ve-quan-ly-khai-thac-ket-cau-ha-tang-duong-sat-192250210221026215.htm