Quy định mới về quản lý vận tải hành khách tuyến cố định

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư 18/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.

Điểm đáng chú ý nhất tại Thông tư 18/2024 đó là quy định về quản lý tuyến (Điều 22). Cụ thể, Sở GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp sử dụng phần mềm của Bộ GTVT để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, công bố.

Định kỳ trước ngày 30/4 hằng năm, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có trách nhiệm công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh.

Thông tư cũng quy định, Sở GTVT công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở các thông tin chi tiết của từng tuyến gồm: Bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, hành trình; tổng số chuyến xe và giờ xuất bến của từng chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác và thời gian giãn cách tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề; công suất bến xe hai đầu tuyến.

Thông tư 18/2024 có hiệu lực từ ngày 15/7/2024 quy định mới về quản lý tuyến vận tải cố định liên tỉnh, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải.

Thông tư 18/2024 có hiệu lực từ ngày 15/7/2024 quy định mới về quản lý tuyến vận tải cố định liên tỉnh, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải.

Thông tư cũng bổ sung trách nhiệm của Sở GTVT trong khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ôtô. Cụ thể, Sở GTVT khai thác, sử dụng dữ liệu trên phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, có trách nhiệm thông báo đến Cục Đường bộ Việt Nam đối với các trường hợp dữ liệu có bất thường hoặc cần kiểm tra lại thông tin.

Mặt khác, Sở GTVT cũng có trách nhiệm theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu trên phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam hoặc của các đơn vị kinh doanh vận tải tại địa phương để phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn. Cùng đó, bảo mật tên đăng nhập, mật khẩu truy cập và thông tin dữ liệu khai thác trên phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.

Nói cách khác, quy định mới này đã phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền trong việc quản lý tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh. Thay vì phải báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam, trình lãnh đạo Bộ GTVT xem xét phê duyệt, bổ sung vào mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh toàn quốc như hiện nay, với quy định mới, khi đơn vị vận tải có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung tuyến, hai Sở GTVT đầu tuyến chỉ cần thống nhất và báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp, công bố.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quy-dinh-moi-ve-quan-ly-van-tai-hanh-khach-tuyen-co-dinh-171945.html