Quy định rõ hơn về quy hoạch đô thị xanh

Cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, sáng nay, 27.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển

Bảo đảm tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật, nhất là cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 214/BC – BXD ngày 9.8.2024 với 140 trang báo cáo giải trình tiếp thu rất chi tiết các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội.

Theo ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), dự thảo Luật đã yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và nông thôn phải tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm thể chế hóa quy định “phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh” của Nghị quyết 06 – NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn. Trong đó, nên quan tâm việc bảo đảm tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Yêu cầu này cũng được xác định tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 1.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Điều 62 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) đề nghị, cần quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn trước khi phê duyệt.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho biết, dự thảo luật không có quy định cho phép các Hội nghề nghiệp được phản biện, gây khó khăn cho việc áp dụng. Trong khi các Hội nghề nghiệp của tỉnh như Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng… là những Hội nghề nghiệp có chức năng phản biện xã hội, có chuyên môn phù hợp để phản biện. Do đó, đề nghị sửa đổi Điều 62 theo hướng: “giao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra mời các Hội nghề nghiệp được tham gia phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tạo điều kiện để các Hội được phát huy vai trò, chức năng nhiệm vụ”.

Còn chồng lấn theo đơn vị hành chính

Cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ khái niệm quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) lưu ý, chúng ta có hai bản quy hoạch khác nhau là quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, tuy nhiên, từ giải thích từ ngữ đến nhiều điều, khoản trong dự thảo luật đều quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là giống nhau. Dự thảo luật cũng không làm rõ được bản chất của quy hoạch đô thị và nông thôn với mối quan hệ với các tổ chức hành chính. Các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, tỉnh, huyện, xã và quy hoạch đô thị và nông thôn đều chưa được phân định rõ ràng, còn chồng lấn theo đơn vị hành chính.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị, cần xác định rõ bản chất của quy hoạch đô thị là cho khu vực đã là đô thị và dự kiến sẽ phát triển đô thị; quy hoạch nông thôn là cho khu vực nông thôn và trong kỳ quy hoạch đó là nông thôn.

Đại biểu cũng đề xuất, Bộ Nội vụ cần xem xét lại việc sắp xếp đơn vị hành chính, chỉ khi đạt đúng bản chất đô thị mới là đô thị, chứ đừng đơn thuần tính theo diện tích và dân số, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương, đặc biệt các thành phố miền núi có xã không mang tính chất đô thị và không thể phát triển đô thị được.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý. Đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung còn băn khoăn như: khái niệm, giải thích từ ngữ, phạm vi đối tượng, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch không gian ngầm, xử lý các trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn, thời hạn, thời kỳ quy hoạch… Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, giải trình thuyết phục hơn.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quy-dinh-ro-hon-ve-quy-hoach-do-thi-xanh-i385999/