Quy định rút BHXH một lần: Đừng để người lao động cảm thấy bị đẩy vào thế khó

Ngày 27.5, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các đại biểu cho biết đây là vấn đề khó, 2 phương án Chính phủ trình chưa phải tối ưu.

Về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án:

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm.

Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1, dù vậy, cơ quan này cũng nhấn mạnh đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động.

Doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, người lao động mất việc

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng cho rằng phương án 1 là phương án khá tối ưu, tuy nhiên phương án này lại tạo ra lát cắt, chia thành 2 nhóm tham gia BHXH trước và sau ngày luật này có hiệu lực.

Đại biểu nhận thấy vẫn cần bổ sung các đánh giá tác động toàn diện hơn, đặc biệt là ý kiến của người lao động, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và ngừng hoạt động tăng mạnh, tình trạng sa thải, cắt giảm lao động diễn ra tại nhiều địa phương.

Bà Hoa Ry cũng nêu, việc rút BHXH một lần đã tăng 39% trong quý 1/2024 - mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Theo đó, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút BHXH một lần sẽ tăng thêm. Do vậy, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia BHXH là chưa chính xác.

Đối với phương án 2, đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút BHXH một lần của người lao động. Lý do là việc rút BHXH một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu)

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.

Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng.

Đại biểu đề nghị đối với vấn đề này nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút BHXH đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng.

Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề cập đến thực trạng nghỉ việc nhiều của người lao động ở độ tuổi từ 35 - 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động; những người lao động ở độ tuổi này có xu hướng nghỉ việc nhiều ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút BHXH một lần.

Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút BHXH một lần.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Ông Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút BHXH một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống.

Rút BHXH một lần là nhu cầu hợp pháp, cấp thiết

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt.

“Vì vậy, không thể hạn chế việc rút BHXH một lần đối với những người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1. Điều này chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm”, bà Nga nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Theo bà Nga, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh, ồ ạt rút BHXH trước khi luật có hiệu lực. Do đó, bà Nga cho rằng cần cân nhắc và nên tích hợp cả hai phương án này.

Đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1; còn đối với người tham gia BHXH sau khi luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2; làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cũng nhấn mạnh, nhu cầu rút BHXH một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng BHXH trước hay sau khi luật này có hiệu lực.

Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp hai phương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cũng cho biết hiện nay, người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH. Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu cho rằng nên thực hiện theo phương án 1.

“Nhiệm vụ của các cấp các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách BHXH; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn”, ông Sơn nêu.

Lam Thanh - Ảnh: VPQH

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quy-dinh-rut-bhxh-mot-lan-dung-de-nguoi-lao-dong-cam-thay-bi-day-vao-the-kho-217694.html