Quy định số 96: Không còn là 'kênh thông tin tham khảo'

Hiệu lực và mức độ khẩn trương của các chế tài ở Quy định số 96 là mạnh, kiên quyết và nhanh hơn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phải là một dữ liệu tư vấn (tham khảo, xem xét) mà là một căn cứ cho việc thực hiện ngay.

Đó là chia sẻ của GS, TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khi trao đổi với phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân về Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định số 96).

PV: Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96 có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, thưa ông?

GS, TSKH Phan Xuân Sơn: Đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý là một khâu đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta. Chỉ có đánh giá đúng cán bộ mới tuyển lựa, đào tạo, bố trí, sử dụng đúng cán bộ; mới phát huy năng lực của cán bộ, làm cho bộ máy hoạt động hiệu quả, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, năng lực và uy tín, mới có thể làm cho Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh.

Hiện nay đánh giá cán bộ vẫn đang là khâu yếu của công tác cán bộ. Vị vậy, trong đội ngũ cán bộ của Đảng, ngay cả trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn có hiện tượng chạy chức chạy quyền, cán bộ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng tiêu cực, làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc không đủ năng lực và uy tín để hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, mà quan trọng hơn là làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Trong đánh giá cán bộ, Đảng ta có nhiều công cụ, vừa đánh giá trong Đảng vừa đánh giá ngoài Đảng (giám sát của nhân dân); vừa có đánh giá của cá nhân cán bộ (tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa), vừa có đánh giá của các cơ quan chức năng, chuyên trách; đánh giá bằng thước đo công việc, uy tín, thông qua quy trình công tác cán bộ vừa đánh giá bằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý… Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm mặc dù là một công cụ khá mới, nhưng có thể nói rất quan trọng và rất hiệu quả.

Việc Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (thay thế Quy định số 262) là một việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với công tác xây dựng chỉnh đốn đảng trong bối cảnh hiện nay:

Thứ nhất: Quy định số 96, khẳng định sự quan tâm không ngừng nghỉ của lãnh đạo Đảng đối với công tác cán bộ, luôn luôn tìm cách để hoàn thiện công tác cán bộ. Quy định lần này góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm của Đảng về một khâu trong công tác cán bộ, và là một trong những khâu khó và quan trọng nhất: Đánh giá cán bộ. Quy định số 96 so với Quy định số 262 đều cùng giải quyết một vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đối với đảng viên của Đảng giữ các chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị của đất nước. Nhưng có nhiều điều mới, thể hiện ở tư duy mới, thể thức lấy phiếu tín nhiệm, mạch lạc hơn, sáng rõ hơn, bài bản hơn, hiệu lực hơn.

Thứ hai: Quy định số 96 lần này, khác Quy định số 262 ở chỗ Đảng ta khẳng định tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm, với những mục đích, yêu cầu rõ ràng. Đó là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ, chứ không dừng lại ở mức độ là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ, như Quy định 262. Đặc biệt Quy định số 96 nhấn mạnh tầm quan trọng là góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

GS, TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

GS, TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PV: Quy định số 96 có điểm gì mới so với quy định trước đây? Ông đánh giá thế nào về những điểm mới này, đặc biệt là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm?

GS, TSKH Phan Xuân Sơn: Về nhận thức: Có thể nói qua Quy định số 96 lần này, Đảng ta đã nhận thức rõ ràng hơn về các công cụ đánh giá cán bộ, tính hiệu quả, hiệu lực của việc lấy phiếu tín nhiệm, thể hiện qua Điều 1: Quy định chung và Điều 2: Mục đích yêu cầu của Quy định.

Về công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Quy định số 96 cũng có điểm mới, kết quả tín nhiệm của các đại biểu dân cử phải công khai cho toàn dân biết. Điều 10, khoản 2 ghi rõ: “Đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết”.

Về nội dung: Quy định 96 có hiệu lực cao và nhanh, mang tính chế tài và tính bắt buộc rất rõ. Trong Quy định 262, người có tín nhiệm thấp ở mức nhất định đều được cơ quan quản lý cán bộ “xem xét”, hoặc “cần được xem xét” để xử lý. Việc xử lý sau đó như thế nào cũng chỉ là khuyến cáo, không có tính bắt buộc. Trong Quy định 262, mức tín nhiệm thấp trên 50% một cách chung chung, thì trong Quy định 96, mức này được chia làm 2 mức cụ thể hơn: Tín nhiệm thấp trên 50%, nhưng dưới 2/3 và mức tín nhiệm thấp trên 2/3. Hai mức này có hệ quả xử lý khác nhau.

Nếu như trong Quy định 262, Điều 11. Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm,thì kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Nhưng trong Quy định 96, cũng Điều 11. Sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm được quy định như sau: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ (bỏ từ tham khảo), làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Nếu như trong Quy định 262, những đồng chí có trên 50% (không giới hạn dưới 2/3) số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Thì trong Quy định 96, nếu những đồng chí có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp, không chỉ dừng lại ở “cần được xem xét” mà “cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định”.

Trong Quy định 262, “Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Thì trong Quy định 96: Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện (chứ không chỉ kịp thời xem xét như trong Quy định 262) miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Tôi xin nhắc lại sự khác nhau ở đây chính là hiệu lực, và mức độ khẩn trương của các chế tài ở Quy định 96 là mạnh, kiên quyết và nhanh hơn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm không phải là một dữ liêu tư vấn (tham khảo, xem xét) mà là một căn cứ cho việc thực hiện ngay.

PV:Ông đánh giá thế nào vềtính cảnh báo, tính giáo dục, tính răn đe, tính chế tài ở Quy định lần này?

GS, TSKH Phan Xuân Sơn: Trên thế giới việc “bỏ phiếu bất tín nhiệm” là một công cụ trong tổ chức nhân sự, nhất là trong tổ chức bộ máy nhà nước, đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước chỉ có 2 mức “tín nhiệm” và “bất tín nhiệm”. Nếu phiếu “bất tín nhiệm” cao, theo luật định, thông thường trên 50%, thì đối tượng bị bất tín nhiệm bị miễn nhiệm, phải từ chức, rời khỏi chức vụ.

Ở nước ta, thủ tục “bất tín nhiệm” mới được áp dụng, với hai mức độ “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm”. Quy trình “bỏ phiếu tín nhiệm”, gần giống với các nước, nếu không đủ tín nhiệm thì người bị bất tín nhiệm (tín nhiệm thấp) phải bị miễn nhiệm, từ chức, rời khỏi chức vụ đang nắm giữ. Vì vậy, giai đoạn “lấy phiếu tín nhiệm”, theo Quy định 262, chủ yếu là “thăm dò” và “cảnh báo”. Cho nên, Quy định 262 coi đó là “kênh tham khảo”, mặc dù rất quan trọng. Đến bước phải “bỏ phiếu tín nhiệm”, nếu người không đủ tín nhiệm ở mức trên 50%, buộc phải thôi giữ chức vụ. Quy định 96 hiện đã tích hợp hai khả năng: (i) Cảnh báo nếu tín nhiệm thấp chỉ dưới 50%, (ii) trong trường hợp tín nhiệm thấp từ 50 đến dưới 2/3 và trên 2/3 tín nhiệm thấp, buộc phải có hình thức xử lý với chế tài mạnh hơn, trong các hình thức xử lý đó có “bỏ phiếu tín nhiệm” (Điều 11, khoản 2).

Quy định ”Bỏ phiếu tín nhiệm” ở nước ta hiện nay được Nghị quyết 85/2014/QH13, Điều 12, Điều 13 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về lấy phiếu tín nhiệm, quy định đối với người giữ chức vụ do Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân bầu. Người bị bỏ phiếu tín nhiệm là những người có tín nhiệm thấp (có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội hội hoặc Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” trong các cuộc lấy phiếu tín nhiệm, hoặc có một số tổ chức (theo luật định) đề nghị bỏ phiếu tin nhiệm.

Như vậy, Quy định 96 vừa có tính cảnh báo, vừa có tính giáo dục, có tính răn đe, vừa có tính chế tài mạnh. Điều đó vừa tạo điều kiện cho cán bộ tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực uy tín, vừa đảm bảo tính ổn định cần thiết của bộ máy, nhưng cũng rất quyết liệt trong việc đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

PV: Như vậy, với quan điểm và cách làm quyết liệt, mạnh mẽ, mang tính chế tài cao như vậy, theo ông việc thực hiện Quy định 96 có tác động như thế nào đến việc nâng cao chất lượng công tác của cán bộ, đảng viên, hay như việc hình thành văn hóa từ chức hiện nay, thưa ông?

GS, TSKH Phan Xuân Sơn: Theo Quy định 96, nếu cán bộ có tín nhiệm thấp, phải xử lý, thì không đợi đến hết nhiệm kỳ. Điều này có tác dụng nhiều mặt. Một mặt, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay không chấp nhận những cán bộ yếu về đạo đức, phẩm chất, kém về năng lực, uy tín thấp, vô trách nhiệm, thờ ơ với vận mệnh đất nước, vận mệnh nhân dân, vận mệnh của Đảng, ngồi giữ chỗ, cản đường người khác. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, “người nào không muốn làm, thì đứng sang một bên, cho người khác làm”. Đất nước ta, Đảng ta không thiếu người tài, có tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Mặt khác, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế… yêu cầu đối với người cán bộ lãnh đạo quản lý rất cao, chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín mới đảm đương được công việc, mới có thể đưa nước ta phát triển bắt kịp các nước trong khu vực và thế giới, mới có thể đạt được mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII đã đề ra, nhân dân ta mới có được cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Khi đã không đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để đảm nhận nhiệm vụ, cán bộ nên chủ động từ chức. Mặc dù từ trước đến nay việc từ chức ở nước ta là khá hiếm do nhiều nguyên nhân, không chỉ nguyên nhân từ cán bộ, mà còn do cách tiếp cận của công tác càn bộ. Hiện nay, vấn đề từ chức đã được thống nhất cao. Vì vậy, cán bộ có tín nhiệm thấp nên chủ động từ chức, hoặc chuyển công tác khác phù hợp với tố chất, năng lực của mình hơn. Như vậy, vừa tạo sự thông thoáng cho công tác cán bộ, vừa thanh thản cho bản thân, hơn là vì một lợi ích nào đó cố giữ “ghế” của mình đến mức buộc tổ chức phải cách chức, miễn nhiệm bằng các hình thức xử lý kỷ luật.

PV:Để việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất, hiệu quả, khách quan, chuẩn xác, việc cung cấp thông tin cho đại biểu (người bỏ phiếu) cần được coi trọng như thế nào, thưa ông?

GS, TSKH Phan Xuân Sơn: Đây đúng là một việc quan trọng và hệ trọng! Thứ nhất, yêu cầu người ghi phiếu phải công tâm, phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình. Phải coi việc trao “uy tín” cho một người không đủ uy tín là có lỗi lớn với Đảng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để hiểu biết rõ ràng, đầy đủ về người mà mình bỏ phiếu. Hơn nữa trong quá trình lấy phiếu, có thể có những thông tin bị thao túng, sai lệch, bị “nhiễu” do các động cơ cá nhân, “lợi ích nhóm”… Do vậy, cơ quan tổ chức, người tổ chức các cuộc lấy phiếu cần có trách nhiệm để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, khách quan cho những người ghi phiếu.

Mặt khác, các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra giám sát cũng cần “kiểm soát” tốt quá trình tổ chức việc lấy phiếu này. Để tránh tình trạng “quy trình đúng”, mà “sản phẩm lỗi”, quy định đúng nhưng kết quả không như mong đợi.

PV: Trân trọng cảm ơn GS, TSKH Phan Xuân Sơn!

VĂN DUYÊN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/quy-dinh-so-96-khong-con-la-kenh-thong-tin-tham-khao-734269