Quy định tính đặc thù cao hơn để Hà Nội phát triển đúng tầm của Thủ đô Văn hiến, thành phố vì hòa bình
Đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định tính đặc thù cao hơn để Hà Nội phát triển đúng tầm của Thủ đô Văn hiến, thành phố vì hòa bình.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật.
Đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm nâng cao vị thế Hà Nội là Thủ đô của cả nước. Dự thảo luật trình Chính phủ với 7 Chương, 59 Điều, tăng 3 Chương và 20 điều so với luật hiện hành. Nội dung của dự thảo đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách, nhiều nội dung nhằm phát huy vị trí, vai trò quan trọng, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội, đáp ưng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của Nhân dân cả nước đối với Thủ đô.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng củng cố địa vị pháp lý, thúc đẩy Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô thông minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, văn minh, an toàn thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phát triển.
Qua nghiên cứu nội dung dự thảo luật, đại biểu đồng tình với các chính sách đã nêu trong dự thảo; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách theo hướng bám sát cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn hoàn thiện chính sách, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW. Đặc biệt, cần thể hiện rõ trong luật các cơ chế chính sách đặc thù, có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội có điều kiện thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các điều kiện kèm theo cũng cần nêu rõ hệ thống chính sách phát triển nhân lực, nguồn lực tương xứng, trong đó làm rõ cơ chế phân cấp, phân quyền, chế độ trách nhiệm cụ thể.
Tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng đây là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, trái tim có đập nhịp đập mạnh mẽ, vững vàng, cơ thể cả nước mới phát triển khỏe mạnh và thịnh vượng.
Đại diện cho cử tri Tây nguyên, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, người dân Tây nguyên luôn hướng về Thủ đô với tình yêu, niềm tin sâu sắc và thiêng liêng; đại biểu đã mượn lời của một bài hát để thể hiện tình cảm của cử tri và người dân hướng về Hà Nội: "Em hỏi cây kơ-nia, gió mày thổi về đâu, về vùng mặt trời mọc, rễ mày uống nước đâu, uống nước nguồn miền Bắc".
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân bày tỏ đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và đề nghị các quy định của dự thảo luật thể hiện rõ sự phân quyền mạnh mẽ hơn, giao nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền của thành phố Hà Nội. Nội dung, phạm vi, cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền cần gắn với trách nhiệm cụ thể. Cùng với đó, cần quy định tính đặc thù cao hơn để Hà Nội phát triển đúng tầm của Thủ đô Văn hiến, thành phố vì hòa bình.
Làm rõ cơ chế thực hiện nội dung về xác định vị trí ranh giới diện tích đất thu hồi
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, qua tiếp xúc cử tri tại địa phương và lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo luật, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét khoản 4, Điều 20 về biện pháp bảo đảm quy hoạch quy định: Khi đầu tư xây dựng mới đường giao thông hoặc mở rộng trục đường giao thông hiện có theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô, cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch chi tiết, trong đó xác định vị trí ranh giới diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở thương mại dịch vụ.
Về nội dung này, cử tri đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ chế thực hiện nội dung về xác định vị trí ranh giới diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận để thực hiện tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ, phát triển nhà ở thương mại, dịch vụ trong quá trình thực hiện quy hoạch có thu hồi đất.
Đại biểu biểu cho rằng, căn cứ xác định vùng phụ cận để thực hiện tái định cư tại chỗ là vấn đề phức tạp, khó giải quyết trong thực tiễn, bởi trong khi thực hiện Luật Đất đai, việc giải phóng mặt bằng thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội khi không được người dân chấp thuận giải phóng mặt bằng để di chuyển đến các điểm tái định cư mới có nguyên nhân chênh lệnh địa tô vị trí giữa nơi cũ và nơi mới, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân. Do đó, cần làm rõ nội dung này, tránh khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 2 điều 20 của dự thảo luật quy định: UBND thành phố Hà Nội quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định tại điểm a khoản này; tại điểm b khoản 2 Điều 29, dự thảo luật quy định: UBND thành phố Hà Nội quyết đinh danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở không thuộc quy định tại khoản a điều này. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định về thẩm quyền của UBND thành thẩm quyền của Hội đồng nhân dân. Bởi số lượng cơ sở có thể di dời thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố lớn, nên việc di dời có thể tác động đến nhiều đối tượng, việc giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố sẽ phù hợp hơn.