Quy định về căn cứ đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện còn chưa phù hợp
Sáng 23/11, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu cho rằng, quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện còn chưa phù hợp, đồng thời đề nghị nội dung này giữ nguyên quy định như tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, vì chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là dành cho người lao động tự do, tự tạo việc làm, nông dân tham gia. Nếu mức đóng bảo hiểm hàng năm tăng sẽ gây khó khăn cho người dân muốn tham gia hệ thống an sinh xã hội
Đại biểu đề nghị viết lại khoản 2 Điều 30 như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này lựa chọn mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và cao nhất bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ quy định mức trần tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng như tự nguyện quy định tại điểm e khoản 1 cũng như khoản 2 Điều 30, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu/tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.
Đại biểu cũng cho rằng, nên bỏ quy định mức trần này, vì người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, vừa có lợi cho Quỹ Bảo hiểm xã hội, vừa có lựa chọn cho người tham gia bảo hiểm, vừa phù hợp với nguyên tắc bảo hiểm xã hội, mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!