Quỹ hỗ trợ ngành bất động sản
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc có kế hoạch lập một quỹ trong lĩnh vực bất động sản nhằm hỗ trợ các công ty giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Quy mô mục tiêu của quỹ là 300 tỷ nhân dân tệ (44 tỷ USD).
Trong giai đoạn đầu, quỹ này sẽ được rót 80 tỷ nhân dân tệ (gần 12 tỷ USD), với sự tham gia của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Nếu mô hình này có hiệu quả, các ngân hàng khác sẽ tham gia, nâng quy mô của quỹ lên 200-300 tỷ nhân dân tệ. Nhà chức trách và các chính quyền địa phương sẽ tập hợp danh sách các công ty đủ điều kiện được nhận hỗ trợ từ quỹ. Quỹ sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc mua các dự án nhà ở chưa hoàn thành và sau đó hoàn tất việc xây dựng và cho các cá nhân thuê. Theo nhà cung cấp thông tin tài chính REDD, quỹ trên sẽ hỗ trợ cho hơn 10 công ty bất động sản, trong đó có Tập đoàn Evergrande.
Việc công bố thành lập quỹ này được xem là động thái lớn đầu tiên của Bắc Kinh kể từ năm ngoái nhằm giải cứu ngành bất động sản. Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản là trở ngại lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm qua và kéo dài cho đến năm nay.
Lĩnh vực bất động sản và các ngành công nghiệp liên quan là một trong những trụ cột chính của kinh tế Trung Quốc khi đóng góp khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Từ năm 1988, lĩnh vực này đã bùng nổ do nhu cầu từ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng - những người coi bất động sản là tài sản gia đình và biểu tượng địa vị quan trọng. Thị trường càng được thúc đẩy bởi khả năng tiếp cận các khoản vay dễ dàng, với các ngân hàng sẵn sàng cho vay càng nhiều càng tốt cho cả nhà phát triển bất động sản và người mua.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nhà ở Trung Quốc đã giảm liên tục từ tháng 6-2021, thời điểm “bom nợ” của Tập đoàn Evergrande phát nổ. Cuộc khủng hoảng thanh khoản của Evergrande nhanh chóng lan ra các đối thủ cạnh tranh như Shimao Group Holdings Ltd. và Guangzhou R&F Properties Co., đã “hô biến” hơn 1.000 tỷ USD khỏi thị trường bất động sản Trung Quốc. Sau cú “ngã ngựa” của Evergrande, Chính phủ Trung Quốc có xu hướng siết chặt quản lý thị trường bất động sản. Động thái này cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận những tổn thất kinh tế trước mắt để tái lập thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn. Doanh số bán nhà tại Trung Quốc đang trong tình trạng ảm đạm và ít có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh Covid-19 chưa chấm dứt, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và sự không chắc chắn về thời gian giao nhà. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, doanh số đã giảm 23,6% so với cùng kỳ 2021.
Đến tháng 7 năm nay, lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của Trung Quốc tiếp tục phải hứng chịu một cú sốc khác khi xuất hiện làn sóng dừng thanh toán thế chấp của người mua nhà trong các dự án chưa hoàn thành và nhà thầu xây dựng đang lan rộng. Khách hàng tẩy chay khiến nhiều nhà phát triển bất động sản phải chật vật xoay xở với hàng núi nợ.
Phân tích của DBS Group (Singapore) cho biết, lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc có đủ vùng đệm để ngăn chặn các khoản nợ xấu. Làn sóng dừng thanh toán của người vay mua nhà cũng chủ yếu diễn ra ở các thành phố nhỏ. Việc khách hàng vay mua nhà ngừng trả nợ các dự án đình trệ không gây rủi ro hệ thống, nhưng vẫn khiến ngân hàng nhỏ tổn thương. Do đó, vấn đề có thể được tháo gỡ nếu các cơ quan quản lý tài chính giải quyết nguyên nhân dẫn đến việc dừng thanh toán của người vay.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//quy-ho-tro-nganh-bat-dong-san-830194.html