Quy hoạch cần tiếp cận đa ngành với tầm nhìn dài hạn, toàn diện

Sáng 20.6, thảo luận tại Tổ 12 về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần quan tâm phát triển các quy hoạch đô thị nhỏ loại 4, loại 5 và các vùng ven đô để cho mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn rõ về chức năng nhưng không phá vỡ quy hoạch chung, mà cần có sự hỗ trợ giữa phát triển đô thị và nông thôn.

Không phá vỡ, tạo khoảng cách giữa phát triển đô thị và nông thôn

Trong phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, một trong những nguyên lý là "làm gì cũng phải có quy hoạch, có chiến lược". Nhưng quan trọng là cách thiết kế, tổ chức thực hiện các quy hoạch này như thế nào cho khoa học, mạch lạc để bảo đảm tính khả thi, không bị chồng chéo và thuận lợi cả trong quản lý và quá trình tổ chức thực hiện, tránh tình trạng mất rất nhiều tiền vào công tác quy hoạch, mất nhiều thời gian để xin ý kiến các chuyên gia, các ngành, các cấp và Nhân dân về việc lập quy hoạch, nhưng hiệu quả thấp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quang Khánh

Trong công tác quy hoạch có yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, quản lý và xây dựng phát triển đô thị bền vững. Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và quy tắc phát triển bền vững, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, thích hợp của hệ thống quy hoạch gắn chặt với quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Quang Khánh

Về xây dựng quy hoạch nông thôn gắn với quy hoạch đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần quan tâm phát triển các quy hoạch đô thị nhỏ loại 4, loại 5 và các vùng ven đô, bảo đảm mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn rõ về chức năng nhưng không phá vỡ, hay tạo khoảng cách giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng tăng, thì không vì đô thị hóa mà làm ảnh hưởng đến nông thôn - nơi giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị.

Hạn chế tối đa quy hoạch “chồng” quy hoạch

Đóng góp ý kiến với dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, thời gian qua việc tổ chức lập và quản lý quy hoạch được thực hiện theo Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, đã nảy sinh một số bất cập liên quan đến các nội dung trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn khi có hiệu lực thi hành.

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cụ thể, tại các đô thị loại 3, 4, 5 hoặc đô thị mới dự kiến thành lập đô thị mới loại 3, 4, 5, Quy hoạch chung được triển khai theo tỷ lệ 1/10.000 và chủ yếu quy định chức năng, tính chất sử dụng đất mà không quy định các chỉ tiêu kỹ thuật (mật độ xây dựng, tầng cao…) tại một số khu vực này đang lập hoặc đã phê duyệt các quy hoạch phân khu thuộc đối tượng được lập theo quy định.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đối tượng lập quy hoạch phân khu chỉ thực hiện đối với đô thị loại 2 trở lên hoặc đô thị mới có quy mô dân số tương đương đô thị loại 2 trở lên.

Nêu vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, đối với các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã phê duyệt hoặc đang triển khai lập phải có quy định chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho quá trình quản lý quy hoạch trong giai đoạn giao thời áp dụng theo quy định mới của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Theo đó, đối với các khu vực đô thị đã có Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 được phê duyệt, nếu đã đủ điều kiện rà soát lập điều chỉnh quy hoạch chung, thì lập theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời triển khai lập các quy hoạch cấp dưới theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Còn nếu không lập điều chỉnh quy hoạch chung, thì vẫn cho phép triển khai lập quy hoạch phân khu (không ràng buộc theo đối tượng từ đô thị loại 2 trở lên như dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn), trình tự và nội dung lập thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Toàn cảnh phiên họp tổ. Ảnh: Quang Khánh

Toàn cảnh phiên họp tổ. Ảnh: Quang Khánh

Tại khoản 5, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Trường hợp xã thuộc thành phố, thị xã có trên 50% diện tích tự nhiên đã được định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố, thị xã và được dự kiến trong quy hoạch tỉnh để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới thì được lập quy hoạch chung đô thị mới với phạm vi toàn xã hoặc theo phạm vi, quy mô diện tích phù hợp với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị mới và không lập quy hoạch chung xã”.

Để hạn chế "quy hoạch chồng quy hoạch", dẫn tới khó quản lý, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị, đối với trường hợp xã thuộc thành phố, thị xã có trên 50% diện tích tự nhiên đã được định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố, thị xã và được dự kiến trong quy hoạch tỉnh để thành lập đơn vị hành chính đô thị mới thì không phải lập quy hoạch chung xã; quy mô dân số, diện tích toàn xã được tính toán để đưa vào phạm vi lập mới hoặc điều chỉnh mở rộng trong quy hoạch chung thành phố, thị xã.

Căn cứ xử lý mâu thuẫn, chồng chéo đã phù hợp?

Về mối quan hệ giữa các quy hoạch, ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) nêu vấn đề: Qua giám sát, khảo sát thực tế cho thấy, nhiều địa phương phản ánh về sự chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành khác.

Mức độ chi tiết của các cấp độ quy hoạch chung - quy hoạch phân khu - quy hoạch chi tiết (thuộc hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng) còn chưa phù hợp. Quy hoạch chi tiết 1/500 gắn với dự án đầu tư do nhà đầu tư lập nhưng lại phải được cơ quan nhà nước phê duyệt; khi dự án đầu tư có điều chỉnh theo phương án của nhà đầu tư thì lại phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết mới thực hiện được, một số trường hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết dẫn đến điều chỉnh quy hoạch phân khu, thậm chí quy hoạch chung, nhưng quy trình điều chỉnh quy hoạch rất phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật quy định, tại Khoản 3 Điều 7 về xử lý khi có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, xác định theo thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và thời điểm phê duyệt quy hoạch.

Băn khoăn với quy định nêu trên, đại biểu Nguyễn Thành Công nêu rõ, Điều 6, Luật Quy hoạch năm 2017 quy định việc này “căn cứ vào cấp quy hoạch”. Nếu căn cứ vào quy hoạch cấp trên để thực hiện, thì có còn vai trò của quy hoạch cấp dưới hay không, có dẫn đến nhầm lẫn về tính chất và còn giữ được ý nghĩa của mỗi loại quy định, mỗi cấp độ quy hoạch hay không? Và nếu có thể căn cứ vào quy hoạch cấp trên để thực hiện thì có còn cần thiết điều chỉnh quy hoạch nữa không?

Quang Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/quy-hoach-can-tiep-can-da-nganh-voi-tam-nhin-dai-han-toan-dien-i376268/