Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm tính khả thi cao nhất
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm tính khả thi cao nhất; cần khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp giai đoạn 2026-2030, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Chiều tối 23/2, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Nguồn: Bộ Công Thương.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên đề xuất, để Đề án Quy hoạch điện VIII được triển khai thông suốt, Chính phủ, Bộ Công Thương trên quan điểm rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện gió, điện mặt trời; giúp các địa phương khó khăn có điều kiện trong thu hút nguồn lực đầu tư để thực hiện nguồn lực tăng trưởng.
Về phía địa phương cũng sẽ tự rà soát, bổ sung quy hoạch danh mục các dự án lưới điện truyền tải, trạm biến áp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, rà soát bổ sung trong quy hoạch đảm bảo đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện truyền tải đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn.
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Công Thương ban hành khung chính sách để phát triển điện lực, năng lượng tái tạo bao gồm cơ chế đấu giá, đấu thầu để chọn nhà đầu tư; cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế thực hiện quy hoạch ngành theo đúng phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh; hoàn thiện mô hình phát điện cạnh tranh, tạo hành lang pháp lý trong việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch điện VIII đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
"Đề nghị Chính phủ xem xét cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình năng lượng có phạm vi trên địa bàn hành chính cấp tỉnh. Với các dự án liên quan đến 2 địa phương, đề nghị phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo tính chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện cam kết của chủ đầu tư.
Hiện công trình truyền tải điện đã phân cấp cho địa phương rồi nhưng công trình năng lượng như các dự án thủy điện liên quan đến 2 địa bàn chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ phân cấp về cho địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch, quy hoạch,” ông Phạm Đức Toàn đề xuất.
Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung thêm trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh 1.000MW điện gió và 500MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000MW điện gió và 6.000MW điện mặt trời.
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết hiện có nhiều dự án năng lượng tái tạo đang bị chậm tiến độ. Do đó, tỉnh Cà Mau đề xuất bổ sung dự án LNG Cà Mau vào Quy hoạch điện VIII để tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia có điều kiện triển khai ngay việc mở rộng dự án Nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2.
"Đối với nội dung nghiên cứu định hướng liên kết điện Việt Nam với các quốc gia ASEAN, đề xuất hệ thống truyền tải điện siêu áp 1 triệu HVDC (truyền tải điện một chiều siêu cao áp) sang Malaysia, Singapore để xuất khẩu điện. Cà Mau sẽ có báo cáo cụ thể tiềm năng lợi thế để triển khai," Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu.
Liên quan đến nội dung kiến nghị của Cà Mau, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Trong Luật Điện lực (sửa đổi) đã có một điều quy định rất rõ những dự án chậm tiến độ là có chế tài xử lý nghiêm, phạt về tài chính nếu chậm tiến độ. Đất nước không thể ngồi chờ một vài nhà đầu tư được," Bộ trưởng Diên nói.

"Riêng chuyện xuất khẩu điện, tiềm năng chúng ta có nhưng khi ngồi vào bàn đàm phán để xuất khẩu điện thế nào thì câu chuyện đặt ra là ở đường truyền tải bởi không thể truyền tải trên mặt nước được mà phải truyền tải dưới đáy đại dương. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ đầu tư, người mua điện thì không đủ năng lực để đầu tư, còn người bán điện thì cũng không dễ gì hoạch toán và thu hồi vốn trong một chu kỳ dự án trong khoảng 14-20 năm"
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Sớm có văn bản về đầu tư lưu trữ năng lượng
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, thời gian qua có một số nhà đầu tư đến Đắk Lắk đề xuất khai thác công suất điện gió và điện mặt trời.
"Các nhà đầu tư xin đầu tư hệ thống lưu trữ, nhưng hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thì chưa có, nên mong Bộ Công Thương quan tâm vấn đề này, sớm có các văn bản ban hành để có cơ sở pháp lý triển khai dự án.
Bên cạnh đó, khi triển khai các dự án Quy hoạch điện VIII sẽ có giao ban thường xuyên, tỉnh Đăk Lăk đề xuất nên triển khai ngay việc này, để các Sở Công Thương địa phương có thể tham gia vào các cuộc giao ban và báo cáo cụ thể các vướng mắc để triển khai dự án về địa phương được thuận lợi," ông Khôi đề xuất.
Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau gần 3 giờ làm việc, ngoài báo cáo của Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn, đã có 24 ý kiến đại diện cho Bộ, ngành địa phương phát biểu.
"Nhìn chung các ý kiến đồng thuận về đề án này, có ý kiến kiến nghị đề xuất thì trong quá trình tiếp thu và đã có tiếp thu và giải trình. Các địa phương vẫn còn ý kiến thì gửi bằng văn bản đến Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương cũng như Viện năng lượng.
Chúng tôi cam kết sẽ tiếp thu ý kiến của các đồng chí để hoàn thiện đề án và báo cáo Thường trực Chính phủ trong phiên họp ngày 25/2 để Chính phủ cho ý kiến thông qua quy hoạch trước ngày 28/2/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Sớm hoàn thiện đề án
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đề nghị Ban soạn thảo, đặc biệt là cơ quan chủ trì Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Điện lực trình trước thời hạn, tốt nhất trong ngày 25/2.
Khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định của Luật Điện lực, kịp thời đáp ứng các nhu cầu cấp bách, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho giai đoạn 2026-2030.

"Việc lập điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo đúng quan điểm mục tiêu nguyên tắc của quá trình lập quy hoạch được nêu tại Quyết định 1710, ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng tầm nhìn dài hạn, có hiệu quả bền vững, trong đó đặt tổng thể lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Khai thác hết tiềm năng của các địa phương nhưng phải đảm bảo sự tối ưu của tổng thể các yếu tố và lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất. Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ lưỡng việc liên kết lưới điện với các nước láng giềng để tăng khả năng mua điện từ Lào. Đồng thời thực hiện mục tiêu Net Zero, trung hòa carbon đến năm 2050"
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn
Đảm bảo tính khả thi
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Viện Năng lượng phân tích và làm rõ các giải pháp đảm bảo điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có tính khả thi cao nhất, nhất là giải quyết tình huống thiếu nguồn điện từ nay đến 2030, trực tiếp là giai đoạn 2026-2028 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 ngày 3/1/2025.
Trong đó, cần tính toán ưu tiên phát triển nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh đưa vào ứng dụng cho sản xuất, tiêu thụ, chú ý các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước, điện sinh khối, điện rác.. nhưng phải theo chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, phải tính toán phát triển các nguồn linh hoạt khác như pin lưu trữ, nhập khẩu điện... đảm bảo yêu cầu cao nhất về đảm bảo nguồn năng lượng cho quốc gia.
Về nội dung điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng cho rằng cần tuân thủ Luật Quy hoạch và xác định rõ danh mục dự kiến các dự án quốc gia, ưu tiên. Ngoài danh mục cụ thể có thể đưa vào xem xét nội dung thực hiện, điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo tính linh hoạt trong thực thi.
"Việc xây dựng quy hoạch điều chỉnh cần đi kèm kế hoạch triển khai và áp dụng được ngay sau khi được thông qua, giống như Luật Điện lực sửa đổi chỉ một tháng sau là các văn bản hướng dẫn phải xong thì quy hoạch cũng vậy," Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý.
Đồng thời, cần thường xuyên rà soát kịp thời điều chỉnh hoặc tham mưu cho các cấp thẩm quyền để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách, phát triển các dự án, công trình điện trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, nhất là các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo ở miền Bắc, nhu cầu vốn...
Bộ Công Thương cũng cần thành lập tổ công tác triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ phối hợp với các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, trong đó có EVN để triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; định kỳ rà soát quá trình thực hiện để đôn đốc, triển khai cho kịp thời.
3 nội dung cần xem xét kỹ lưỡng
Trên cơ sở báo cáo và các kiến nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Bộ Công Thương cùng đơn vị tư vấn giải trình làm rõ thêm trong quá trình triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tính kế thừa và đánh giá tổng thể cũng như định hướng về phát triển điện gió ngoài khơi.
Vấn đề thứ hai là điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời tập trung, mặt trời áp mái tăng lên nhiều so với quy hoạch điện VIII trước đây. Đây là nguồn điện chiếm diện tích sử dụng đất lớn do đó cần đánh giá chi tiết về diện tích sử dụng tính khả thi và việc ảnh hưởng đến quy hoạch khoáng sản, sử dụng đất cho nông nghiệp.
Thứ ba, làm rõ việc ưu tiên phát triển nhà máy cụm nhiệt điện khí LNG công suất lớn nhằm tối ưu hóa hạ tầng dùng chung từ các hạ tầng kho cảng khí nhiên liệu hóa lỏng theo mô hình kho cảng trung tâm quy mô công suất lớn và hệ thống đường ống cung cấp khí LNG từ kho trung tâm.
Mặt khác, cần làm rõ tính khả thi hiệu quả trong hệ thống lưu trữ năng lượng trong đó có thủy điện tích năng, pin lưu trữ đối với nguồn điện mặt trời, nhất là đến năm 2030.
Cần rà soát xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật đối với các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn không triển khai được và có giải pháp trong điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Có đánh giá sự phù hợp kế hoạch sử dụng đất khi bổ sung quy hoạch lưới điện truyền tải 500kV, đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ và miền Trung, nơi có địa hình hẹp; nghiên cứu công nghệ mới để xây dựng đường truyền tải sao cho hiệu quả.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Nguồn: Bộ Công Thương.
Đối với liên kết lưới điện nhập khẩu, cần rà soát phương án đường dây kết nối phù hợp trong từng giai đoạn nhằm dự phòng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và các tỉnh biên giới.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu cần có sự vào cuộc trách nhiệm để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đảm bảo không bị phá vỡ quy hoạch trong quá trình triển khai cũng như đảm bảo cung cấp điện tin cậy cho nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với các tập đoàn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc triển khai, tham gia xây dựng Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo quy định pháp luật và Luật Quy hoạch; đặc biệt trong quá trình xây dựng các công trình điện lực khẩn cấp, các danh mục dự án điện lực giao cho các doanh nghiệp Nhà nước để triển khai thì cần nỗ lực cao nhất, đảm bảo đúng tiến độ chất lượng dự án, các công trình đã được phê duyệt và giao cho các tập đoàn.