Quy hoạch mở rộng bãi thải

Sau loạt bài 'Tác nhân gây ô nhiễm Thủ đô: Những cột khói độc' của báo Tiền Phong, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cũng đã có văn bản trả lời báo về nội dung này…

Đốt phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh tại phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Đốt phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh tại phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Để giải quyết vấn đề báo Tiền Phong đề cập, Sở TN&MT đã có văn bản số 2971/STNMT-QLCTR ngày 19/4/2024, đề nghị các quận huyện thị xã chấn chỉnh, khắc phục và giải quyết tình trạng đổ, đốt rác thải, phế thải không đúng quy định.

Để giải quyết vấn đề này, Sở TN&MT Hà Nội cho hay đã đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận tại văn bản số 3815/UBND-TNMT ngày 10/11/2023 về việc thực hiện các giải pháp quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Sở TN&MT cũng đang xây dựng đề án tổng thể quản lý chất thải rắn xây dựng đến năm 2030 và quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn.

Cụ thể, Sở đề xuất điều chỉnh, bổ sung các vị trí xử lý, tái chế CTR xây dựng để tích hợp trong quá trình điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Trong đó, xây dựng các điểm xử lý, công nghệ xử lý, đề xuất các vị trí cần làm ngay theo phân vùng 4 hướng đông, tây, nam, bắc.

Tiếp tục xử phạt và dọn dẹp các bãi rác vi phạm

Liên quan các điểm vi phạm đốt rác, xả CTR trái quy định mà Tiền Phong phản ánh, UBND huyện Gia Lâm vừa tiếp tục có văn bản đốc thúc các đơn vị gây ra khói bụi và xử lý rác thải trên địa bàn huyện. Ngoài ra, UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) cũng đã ban hành quyết định xử phạt 3,5 triệu đồng đối với ông Nguyễn Văn Họa về hành vi chôn lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn trái với quy định về bảo vệ môi trường. UBND phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cũng vừa có báo cáo về nội dung mà Tiền Phong nêu. Theo đó, UBND phường Phú Diễn xử phạt cá nhân vi phạm trong đổ thải là ông Trần Xuân Thanh 2 triệu đồng. Ông Thanh cũng buộc phải khôi phục lại tình trạng đất như lúc ban đầu.

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, giai đoạn từ nay đến hết năm 2025 sẽ tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR phù hợp với thực tế của thành phố. Trong đó, thành phố sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa, ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện môi trường. Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành đầy đủ các định mức, tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và phương pháp về vật liệu tái chế từ phế thải phá dỡ công trình và phế thải xây dựng, thử nghiệm dùng vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng sử dụng làm lớp móng đường giao thông đô thị… để làm cơ sở để triển khai. Theo kế hoạch, đến năm 2030 có các dự án được xây dựng và đi vào hoạt động với tổng công suất xử lý khoảng 3.000 tấn/ngày.

Đặc biệt, Sở này đề xuất việc gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị địa phương, các cá nhân được phân công phụ trách nếu để xảy ra tình trạng đổ chất thải, rác thải, phế thải xây dựng không đúng nơi quy định tại địa bàn quản lý.

Việt Khôi - Thành Đạt

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quy-hoach-mo-rong-bai-thai-post1642224.tpo