Quy hoạch Thành phố của tương lai
Trong không khí hân hoan cùng cả nước hướng đến Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trước đây mang tên là Sài Gòn đã có một hành trình lịch sử dài trải qua nhiều thế kỷ và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay trở thành một đầu tàu kinh tế cho cả nước.
Trong Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, trong đó TPHCM là đơn vị hành chính đặc biệt đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cả khu vực trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Từ bước đà phát triển trong quá khứ, từ một thành phố (TP) cổ, việc phát triển các đô thị thường hướng theo phía Bắc và Đông Bắc dọc theo những dải phù sa cổ ven các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai… Vì thế, những kế hoạch phát triển trong tương lai cũng nên tiếp tục theo đường hướng này.
QUAY VỀ CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ HƠN 300 NĂM TRƯỚC…
Vào năm 1698, Chúa Nguyễn sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) vào Nam kinh lược, chính thức xây dựng một địa bàn hành chính trong vùng Gia Định, khi ấy có độ 20.000 dân. Ngay sau đó một thời gian, một lũy đất được Nguyễn Hữu Kính xây dựng từ phía dưới rạch Thị Nghè lên Chí Hòa, vào gần đến Rạch Cát để bảo vệ phía Tây Bắc và Tây Nam Sài Gòn; còn phía Đông Bắc và Đông Nam Sài Gòn đã được bảo vệ bởi rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và rạch Bến Nghé. Thành Phiên An (sau này là thành Gia Định) được Chúa Nguyễn xây dựng trở thành tụ điểm của một hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc. Chính địa hình tự nhiên đã đóng vai trò quan trọng để khởi phát nên một Sài Gòn thuở ban sơ.
Bản quy hoạch của Coffyn có tên Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon (dự án TP 500.000 người tại Sài Gòn), do đại tá công binh Lucien Florent Paul Coffyn khởi thảo, được đệ trình vào ngày 30/4/1862 và nhanh chóng được Chính phủ Pháp tại Nam Kỳ chấp thuận cho triển khai. Đến năm 1864, do diện tích dự kiến của TP quá rộng, đặc biệt tình hình trị an đòi hỏi người Pháp phải thu hẹp phạm vi quy hoạch, tách khu Chợ Lớn ra để tập trung đầu tư xây dựng khu trung tâm Sài Gòn.

Bản đồ chi tiết Gia Định 1815 của Trần Văn Học
Từ năm 1887, với tầm vóc sầm uất và quy mô xây dựng đô thị ngày càng hoàn chỉnh, Sài Gòn đã được chọn làm thủ phủ của toàn cõi Đông Dương. Từ năm 1860 đến 1914, Sài Gòn về cơ bản đã có được cơ sở hạ tầng kỹ thuật đạt chuẩn đủ phục vụ cho khoảng 350.000 dân cư. Một số lĩnh vực như giao thông, bưu chính viễn thông, y tế, dịch vụ ngân hàng cho thấy Sài Gòn đã cao hơn hẳn các TP ở Đông Nam Á trong cùng thời gian. Năm 1790, Chúa Nguyễn cho xây thành Phiên An (thành Bát Quái) theo thiết kế kiểu vauban của kỹ sư người Pháp Théodore Lebrun, hai sĩ quan công binh Pháp Olivier de Puymanel, Le Brunt là trông coi xây dựng và giao cho Trần Văn Học “phác họa đường sá và phân khu phố phường” đường trong thành năm 1790 (thành này còn được gọi tên khác là thành Quy, khác với thành Phụng của vua Minh Mạng xây năm 1836, sau khi thành Quy đã bị thiêu rụi sau loạn Lê Văn Khôi). Khi đó, Chúa Nguyễn còn giao cho Trần Văn Học chịu trách nhiệm quy hoạch phố thị nằm ngoài thành lũy.
Năm 1923, bản quy hoạch của kiến trúc sư Hébrard, nhà quy hoạch Pháp nổi tiếng thời bấy giờ, đặt vấn đề hoàn chỉnh hệ thống kỹ thuật hạ tầng, chủ yếu là ga xe lửa và cảng sông, mở rộng quy mô xuống phía Nam, sang Khánh Hội và Nhà Bè để phát triển công nghiệp và xuất khẩu…
Năm 1930, bản quy hoạch mang tên Cerutti- Pugnaire, đặt ra phương án xây dựng khu trung tâm hành chính mới để nối kết Sài Gòn và Chợ Lớn: cất tòa thị chính mới ngay tại vị trí Chợ Bến Thành, dời khu nhà ga ra khỏi trung tâm TP, thay thế bằng những tòa nhà thương mại, nối vào Chợ Lớn bằng các trục lộ quy mô lớn.
Từ giữa thập niên 1960, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế USAID (cơ quan này mới bị chính phủ Mỹ đóng cửa vĩnh viễn hồi đầu năm 2025) đã hỗ trợ kỹ thuật cho phía miền Nam Việt Nam về quy hoạch đô thị. Kể từ thời gian này, rất nhiều các đồ án quy hoạch và nghiên cứu về đô thị quy mô, có chất lượng tại miền Nam được thực hiện.
Năm 1965, Quy hoạch chung Sài Gòn do Công ty Doxiadis Associates-Consultants on Development and Ekistics lập, khi nghiên cứu phương hướng phát triển Sài Gòn cũng chủ trương mở rộng từ lõi trung tâm đô thị về hướng Bắc. Theo đó, TP sẽ phát triển trong không gian giữa hai dòng sông Sài Gòn và Đồng Nai.
Sau ngày 30/4/1975, Sài Gòn - thủ phủ của chế độ cũ đã trở thành TPHCM, một thành phố lớn của cả nước, vươn lên và phát triển không ngừng để trở thành một địa bàn đông dân nhất nước, là trung tâm kinh tế tài chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật thuộc dạng hàng đầu.
NHỮNG TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI NGÀY NAY ĐỂ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Việc sáp nhập tỉnh thành đang được xem xét, chưa công bố chính thức, nhưng dù diễn ra theo kịch bản nào thì bài toán kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã được tính tới một cách cẩn trọng.
Vào ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có công tác sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức bộ máy. Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian thị sát các công trình giao thông kết nối trong khu vực. Các tuyến cao tốc, metro hay đường sắt, đường thủy vận chuyển hàng hóa kết nối TPHCM với “vùng sản xuất” Bình Dương, cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang dần hình thành. Đây rõ ràng là một tầm nhìn phát triển mạnh mẽ nhiều xung lực nhất cho tương lai của đầu tàu kinh tế cả nước.

Metro làm đổi thay bộ mặt giao thông Thành phố
Bên cạnh đó, TPHCM đang đứng trước cơ hội lịch sử để trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Đây là một giấc mơ được ấp ủ hơn 20 năm nay với sự ủng hộ mạnh mẽ từ Bộ Chính trị, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế không chỉ của TP mà còn của cả đất nước Việt Nam và cả trong khu vực.
Nếu như TPHCM là trung tâm chính trị, kinh tế tài chính, thì Bình Dương được ví như một trong những “thủ phủ sản xuất” của cả nước với khoảng 30 khu công nghiệp, dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với hàng ngàn dự án đang hoạt động và sẽ tiếp tục mở rộng, còn Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là một trong những cửa ngõ ra quốc tế vì tiếp giáp biển, có cảng Cái Mép - Thị Vải. Việc ba tỉnh thành vào một cương giới hành chính và kinh tế chung sẽ tận dụng được các ưu thế của cả ba và thực hiện tầm nhìn hướng đến kinh tế biển, kinh tế xanh và kinh tế số…
Đứng trước những thời cơ, vận hội mới của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng, cần thiết phải có một Đề án quy hoạch đô thị TPHCM mang tầm vóc vĩ mô, tầm nhìn chiến lược. Bởi vì lịch sử thế giới đã chứng minh muốn phát triển một TP đồng bộ và bền vững thì công tác quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước, việc quản lý và thực hiện tốt quy hoạch mới khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh của nơi đó. TPHCM là đô thị lớn bậc nhất cả nước, vì vậy các nội dung quy hoạch càng phải cẩn trọng, đúng đắn, có tầm nhìn không chỉ cho vài chục năm mà phải tính đến sự phát triển của nhiều thế kỷ trong tương lai