Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Bản sắc, sinh thái, liên kết, hạnh phúc

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 8 chữ: Bản sắc - Sinh thái - Liên kết - Hạnh phúc khi nói về nội dung của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, sáng 24/5, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, đồng thời công bố quy hoạch Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ với báo chí về bản Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc - vùng "phên dậu" của Tổ quốc, địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, xin ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của bản Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc sắp được công bố?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Vùng là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia với Trung Quốc, Lào và các nước ASEAN.

Đây cũng là nơi có hệ thống nhiều cửa khẩu lớn, nhỏ, có tiềm năng phát triển các hoạt động kinh tế cửa khẩu, kết nối các địa phương khác trong cả nước về giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc.

Vùng được coi là "phên dậu" và "lá phổi" của Tổ quốc, có vai trò quyết định đối với an ninh nguồn nước và môi trường sinh thái, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn của cả vùng Bắc Bộ.

Đây cũng là "cái nôi" của cách mạng Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phóng viên: Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được thời gian qua, nếu nhìn nhận về những điểm còn chưa phát triển được như mong muốn, Bộ trưởng sẽ có những chia sẻ gì?

Trong thời gian qua, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tạo tiền đề, cơ sở để vùng vươn lên, thu hẹp dần khoảng cách phát triển với các vùng kinh tế - xã hội khác trong cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng đang đạt được mức khá cao so với cả nước, vượt mục tiêu đặt ra. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng đạt 8,42%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng 6,21%/năm của cả nước; giai đoạn 2021 - 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 7,65%/năm, cao hơn so với tốc tốc độ tăng trưởng 5,19% của cả nước.

GRDP bình quân đầu người cũng đã gia tăng đáng kể, năm 2023, đạt 64,8 triệu đồng/người, tăng so với mức 52,8 triệu đồng/người năm 2020.

Đáng chú ý, một số địa phương có mức tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào GDP chung cả nước, có vai trò dẫn dắt, đầu tàu phát triển vùng như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, tạo nên các cực tăng trưởng trọng điểm, hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong mối liên kết với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng lân cận.

Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước.

Bên cạnh đó, chênh lệch phát triển nội vùng còn lớn khi tăng trưởng kinh tế mạnh chỉ ở một số địa phương mang tính chất đầu tàu. Trong khi đó, một số địa phương có quy mô nền kinh tế rất nhỏ và trình độ phát triển còn thấp, nhiều địa bàn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của cả nước.

Một trong những "nút thắt" lớn trong phát triển vùng là liên kết nội vùng và liên vùng kém, đặc biệt theo phương ngang Đông - Tây. Khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế - xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng, kể cả với một số tỉnh trong cùng tiểu vùng.

Trong khi đó, những liên kết liên vùng mang tính chiến lược còn thiếu hoặc trong tình trạng chậm đầu tư. Hơn nữa, so với cả nước, đây là vùng có năng suất lao động ở mức thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo dưới mức trung bình của cả nước và ngày càng tụt hậu.

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

5 HÀNH LANG KINH TẾ VÙNG TRUNG DU, MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Phóng viên: Trước những trăn trở đó, theo đánh giá của Bộ trưởng, những đổi mới tư duy trong bản quy hoạch này và những mục tiêu kiến thiết cụ thể mà bản quy hoạch đặt ra được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi gì cho sức phát triển của vùng, thưa ông?

Nội dung của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh 8 chữ Bản sắc - Sinh thái - Liên kết - Hạnh phúc.

BẢN SẮC

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn có nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống với bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng, là dân tộc "đa số" thay vì quan niệm dân tộc thiểu số thông thường. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương, tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã nhấn mạnh công tác giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc hướng tới xây dựng hệ thống đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt nhấn mạnh việc giữ chân nguồn nhân lực, phát triển du lịch và nông nghiệp dựa trên giá trị bản sắc của các cộng đồng bản địa.

SINH THÁI

Tăng trưởng xanh là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Để hướng tới hình mẫu phát triển xanh của cả nước, quy hoạch đã đề ra các nội dung gồm: phát triển vùng trên cơ sở bảo đảm sinh thái bền vững và hình thành các hành lang phát triển sinh thái liên tỉnh, liên vùng thông qua kết nối những khu vực sinh thái trọng điểm và rừng phòng hộ bằng những hành lang xanh.

LIÊN KẾT

Coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Nội dung về liên kết vùng trong bản Quy hoạch vùng đã tập trung vào:

Thứ nhất, tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng. Trong đó, ưu tiên các kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và quốc tế; các kết nối Đông - Tây; kết nối quốc tế qua Lào; kết nối về phía biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng, với việc ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị.

Đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng thời, liên kết để phát triển theo 5 hành lang kinh tế và khu vực động lực tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô.

Thứ hai, là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh. Tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng. Hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư, liên kết các địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu.

HẠNH PHÚC

Phát triển kinh tế phải đi kèm với tiến bộ, công bằng xã hội, bản quy hoạch này đã đề ra các định hướng nhằm giải quyết nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh biên giới, nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo.

Quy hoạch với quan niệm lấy mục tiêu hạnh phúc của người dân làm thước đo của sự thành công và định hướng phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/quy-hoach-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-ban-sac-sinh-thai-lien-ket-hanh-phuc-post34919.html