Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia - 'công cụ' thực thi chiến lược hệ sinh thái dữ liệu
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được kỳ vọng sẽ tạo đà phát triển cho hệ sinh thái dữ liệu của đất nước.
Chính phủ đã thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để thúc đẩy phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ do Bộ Công an quản lý và ban đầu được cấp ngân sách 1.000 tỉ đồng. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Quỹ được hỗ trợ kinh phí hàng năm để bảo đảm duy trì mức 1.000 tỉ đồng tại thời điểm đầu các năm tài chính.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa dữ liệu và chuyển đổi số mạnh mẽ, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiên phong xây dựng mô hình "quỹ dữ liệu quốc gia" để định hình lại cách quản lý và phát triển tài nguyên dữ liệu. Kinh nghiệm từ Na Uy, Ấn Độ, Úc, Canada, Mỹ, Anh, Hà Lan, Kenya... cho thấy, sự hiện diện của các quỹ này không chỉ đơn thuần là trung tâm lưu trữ dữ liệu, mà còn là công cụ tạo ra giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm rủi ro cho nhà đầu tư và bảo đảm chủ quyền dữ liệu quốc gia.
Chính vì vậy, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đánh giá sự ra đời của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia không chỉ là hệ quả tất yếu của xu hướng thế giới, mà còn là sự lựa chọn mang tính kiến tạo của Việt Nam. Quỹ có mục tiêu phục vụ cho việc phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây, Internet vạn vật... trong xử lý dữ liệu, quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh dữ liệu.
Bên cạnh đó, Quỹ còn đóng vai trò hỗ trợ khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp cho việc xây dựng, bảo vệ và quản trị dữ liệu; hỗ trợ cung cấp dịch vụ nhằm xử lý sự cố an toàn thông tin; tài trợ cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dữ liệu; tạo điều kiện kết nối quốc tế để học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ.
Về mặt tài chính, Quỹ được Nhà nước cấp vốn tối thiểu 1.000 tỉ đồng và được bổ sung hằng năm. Ngoài ra, Quỹ còn có thể tiếp nhận tài trợ, viện trợ, đóng góp không hoàn lại từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các hoạt động cho vay, đầu tư, hỗ trợ đều tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, không trùng lặp với các hình thức hỗ trợ khác từ Nhà nước.
Như vậy, Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia không chỉ là nơi tập trung tài chính cho các hoạt động dữ liệu, mà còn là một hệ thống "bệ đỡ" cho sự phát triển dài hạn và bền vững của hệ sinh thái dữ liệu quốc gia. Việc có hành lang pháp lý rõ ràng từ Luật Dữ liệu, cùng cơ chế hoạt động linh hoạt và mạng lưới hỗ trợ toàn diện sẽ giúp Việt Nam từng bước tiệm cận các chuẩn mực quốc tế trong quản lý và khai thác dữ liệu.
Việt Nam đã không còn đứng bên lề trong cuộc cách mạng dữ liệu toàn cầu. Với Luật Dữ liệu làm nền tảng pháp lý và Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là công cụ thực thi chiến lược, đất nước đang tiến vào một giai đoạn mới – nơi dữ liệu không chỉ là "tài nguyên mới" mà còn là "động lực phát triển mới", thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Luật Dữ liệu chính thức đi vào cuộc. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh toàn diện hoạt động về dữ liệu, là bước đi đột phá đưa nước ta vào kỷ nguyên mà dữ liệu trở thành "nhiên liệu mới" của phát triển. Việc ban hành đồng bộ các Nghị định và Quyết định đi kèm, đặc biệt là việc quy định về Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, đồng bộ, để đưa dữ liệu thực sự trở thành tài nguyên chiến lược.