Quy y Tam bảo là gì? Ý nghĩa của việc quy y Tam bảo

Quy y Tam bảo là cách để chúng ta quay về với Phật tính, nhận ra bản chất của cuộc sống và sống tự nhiên theo đúng tầm nhìn đó.

Quy y Tam bảo là cách để chúng ta quay về với Phật tính, nhận ra bản chất của cuộc sống và sống tự nhiên theo đúng tầm nhìn đó.

Quy y Tam bảo là gì?

“Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, một người quy y Tam Bảo là một người có đủ duyên lành để giác ngộ, để tiếp cận phật pháp, để hồi đầu quy hướng về Tam Bảo, để bắt đầu làm mới lại con người của mình trong việc tu học và hoàn thiện nhân cách đạo đức. Đây là điều kiện tốt để chúng ta bước ra khỏi những sai lầm, những ràng buộc do vô minh, do tập quán thói quen của cuộc đời trước đó đã đẩy ta vào vòng luẩn quẩn của khổ đau.

Quy y Tam bảo còn gọi là pháp Tam quy y. “Quy y” là quay trở về nương tựa, “Tam Bảo” là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, Quy Y Tam Bảo nghĩa là quay về nương tựa Phật, nương tựa Pháp và nương tựa Tăng.

Đức Phật dạy:

“Quy y Phật không đọa địa ngục

Quy y Pháp không đọa ngạ quỷ

Quy y Tăng không đọa súc sinh”.

Nói như vậy không có nghĩa là quy y suông sẽ được như thế đó. Đây là câu nói tắt. Câu đúng nghĩa là Quy y theo Phật rồi con sẽ làm việc thiện để không đọa địa ngục. Quy y theo Pháp là những lời dạy đúng đắn của Phật, con sẽ tu tập để không đọa vào ngạ quỷ. Quy y Tăng là con Quy y những vị thầy mô phạm chân chính, con sẽ noi theo đó để tu học theo để không phải rơi vào súc sinh.

Đừng nghĩ xa xôi quy y sẽ thành Phật thành Thánh mà cơ bản, quy y giữ năm giới sẽ hoàn thiện được nhân cách của một con người, để không rơi vào sự đau khổ.

Quy y Tam bảo là cách để chúng ta quay về với Phật tính.

Quy y Tam bảo là cách để chúng ta quay về với Phật tính.

Ý nghĩa của việc quy y Tam bảo

Điều cơ bản là quy y Tam bảo sẽ chính thức là người Phật tử theo đúng luật. Nhưng cốt lõi là người quy y thì biết đúng sai tội lỗi, còn người không quy y thì không nhận biết điều đó.

Khi một người biết phân biệt tội lỗi, họ sẽ cân nhắc trước mọi hành động của mình và biết dừng đúng lúc. Còn một người không biết đúng sai, họ sẽ hành động theo bản năng của mình để thỏa mãn những dục vọng nên hậu quả gây ra là không thể lường được.

Khi một người có quy y Tam bảo, việc tu tập sẽ tốt hơn một người chưa quy y. Bởi lẽ, họ sẽ được sách tấn, động viên và hướng dẫn từ những người đồng đạo. Có một chút gì đó ràng buộc vào tâm thức mỗi khi xao lãng đạo pháp.

Người quy y Tam bảo sẽ giữ vững được con đường đã chọn, ít bị dụ dẫn xa rời chánh pháp từ những người ngoại đạo dựa vào học thuyết tà kiến hay trong hôn nhân. Còn người không quy y sẽ dễ nuông chiều bản thân và ít giữ được lý tưởng trên đường đạo, rất dễ bị lạc lối.

Quy y Tam bảo rồi có bắt buộc ở lại chùa hay không?

Quy y Tam bảo là buổi lễ để qua đó, ta được chính thức là người phật tử đúng pháp, còn gọi là cư sĩ tại gia. Nên chúng ta không phải ở lại chùa như các vị đã xuất gia, bởi nếu lượng phật tử quy y phải ở lại chùa thì chắc chắn không có ngôi chùa nào có thể đáp ứng được. Nhưng, mỗi tháng có thể dành vài ngày để về chùa làm công quả hay tu tập. Còn không nếu gần nhà có chùa nào tiện lợi thì ta đến sinh hoạt. Học tu tùy duyên, không quá cứng nhắc về nơi chốn, quan trọng là việc hướng đạo và thực hành.

Xem thêm: Những quan niệm sai lầm về Quy Y Tam Bảo

Thiện Minh (T/h)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/quy-y-tam-bao-la-gi-y-nghia-cua-viec-quy-y-tam-bao.html