Quyên organic và ước mơ rau hữu cơ giá mềm

Organicfood là thương hiệu bán lẻ thực phẩm hữu cơ có mặt trên thị trường TP HCM từ năm 2018 nhưng người sáng lập chỉ mới 'lộ diện' gần đây

Chị Ngô Bích Quyên - SN 1990, thường được gọi là Quyên organic, Giám đốc Điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (sở hữu thương hiệu Organicfood) - giới thiệu bản thân là dân "ngoại đạo" của ngành bán lẻ lẫn thực phẩm hữu cơ. Sau thời gian học hỏi, xây dựng nền tảng đủ vững vàng, chị đã tự tin xuất hiện tại một số sự kiện trong lĩnh vực.

Bán nhà để khởi nghiệp

Năm 2016, Quyên bắt đầu biết đến thực phẩm hữu cơ khi cha chị mắc bệnh ung thư đại tràng. Qua tham vấn người thân, bạn bè trong lĩnh vực y dược, chị thấy rằng ngoài điều trị Tây y, cần kết hợp sử dụng thực phẩm lành mạnh để nâng cao hiệu quả.

Lúc này, chị Quyên đang mang thai, rất chọn lọc trong ăn uống nên say mê tìm hiểu về thực phẩm hữu cơ. Chị chuyển đổi toàn bộ thực phẩm cho cha mẹ và gia đình nhỏ của mình bằng thực phẩm hữu cơ dù thời điểm đó rất đắt đỏ.

Đến tháng 10-2017, cha chị Quyên đã hoàn toàn hết bệnh. Nhìn ra xung quanh, chị nhận thấy xu hướng ăn uống lành mạnh ngày càng tăng; nhiều người sẵn sàng chi tiền sử dụng thực phẩm hữu cơ như một cách đầu tư cho sức khỏe. Chồng Quyên là dân kinh doanh, nhìn ra cơ hội và sự đam mê của vợ nên "xúi" chị khởi nghiệp.

"Tôi bắt đầu bằng việc thuê một mặt bằng trên đường Trần Não, TP Thủ Đức. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên của hệ thống Organicfood" - chị Quyên nhớ lại. Để có vốn khởi nghiệp, 2 vợ chồng đã bán ô tô với giá 600 triệu đồng, bán luôn căn nhà 2,8 tỉ đồng, chấp nhận thuê nơi khác ở đến nay.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực mới, chị Quyên phải trả giá rất nhiều vì thiếu kinh nghiệm. "Tôi đầu tư 1 trang trại 5 ha ở Bến Lức - Long An để trồng rau củ quả hữu cơ với kỳ vọng chủ động được nguồn cung ở gần, chi phí vận chuyển thấp. Chỉ 1 năm sau, dự án phải ngừng vì thổ nhưỡng không phù hợp nên rau củ không ngon, dù đạt chứng nhận hữu cơ nhưng không đủ hương vị thì cũng không thể thuyết phục được người tiêu dùng. Sau đó, trang trại chuyển sang trồng ổi, chuối sứ, chanh, xoài... thì rất phù hợp, cho trái ngon, chất lượng nên bán chạy" - bà chủ Organicfood dẫn chứng.

Một bước đi sai nữa của Organicfood là kéo dài hoạt động 1 cửa hàng không hiệu quả tại quận 7, TP HCM đến 2 năm. Rút kinh nghiệm, với 2 cửa hàng mở sau cũng không hiệu quả tại quận Tân Bình và Bình Thạnh, Organicfood mạnh tay cắt lỗ sớm. Hiện Organicfood còn 3 cửa hàng tại TP HCM, đều hoạt động từ năm 2018 đến nay và có lượng khách ổn định.

Chị Ngô Bích Quyên tại cửa hàng Organicfood trên đường Trần Não, TP Thủ ĐứcẢnh: AN NA

Chị Ngô Bích Quyên tại cửa hàng Organicfood trên đường Trần Não, TP Thủ ĐứcẢnh: AN NA

Nỗ lực hạ giá

Thâm nhập phân khúc sản phẩm hữu cơ, Quyên organic phát hiện đa số đều có giá cao hơn rau củ an toàn ở siêu thị 2-3 lần, hiếm hoi mới có mặt hàng cao hơn 50% trong khi cửa hàng bán rau củ hữu cơ không hề có lời. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối mặt hàng này quá lớn.

Ở khâu sản xuất, trồng rau củ hữu cơ tốn rất nhiều nhân công để nhổ cỏ, bắt sâu. Chi phí chứng nhận hữu cơ quốc tế cao, khoảng 120 triệu đồng/vườn/năm. Riêng cước vận chuyển từ Tây Nguyên về TP HCM khoảng 15.000 đồng/kg (xe) và từ các tỉnh phía Bắc là 30.000 đồng/kg (máy bay), chưa kể rủi ro hàng hư hỏng, đến trễ.

Trong khi đó, giá các mặt hàng đồ khô đã giảm khá nhiều so với 6 năm trước, nhất là hàng nhập khẩu. "Thị trường thực phẩm hữu cơ lớn hơn, các nhà nhập khẩu đã nhập hàng với số lượng lớn nên có giá tốt hơn. Hàng chế biến trong nước thì có xu hướng giữ giá hoặc giảm nhẹ" - người sáng lập Organicfood nói về sự thay đổi của thị trường trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu thì giá thực phẩm hữu cơ vẫn là rào cản lớn. Thế nên, chị Quyên đã triển khai hình thức 1 mặt hàng 4 mức giá, tùy theo số lượng để khuyến khích khách hàng mua nhiều với giá rẻ. Nếu khách hàng mua chung thì giá các mặt hàng tươi hữu cơ chỉ cao hơn khoảng 20% và các loại đồ khô hữu cơ nhập khẩu chỉ cao 30%-40% so với sản phẩm thường cùng loại (giá bán lẻ). "Hiện nay, 40% doanh số của hệ thống đến từ các nhóm khách mua chung như ở cùng tòa nhà văn phòng, chung cư, khu biệt thự" - chị Quyên tiết lộ.

Ngoài ra, chị Quyên còn tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, kết nối tiêu thụ nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam (VCO) và tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System) vì chi phí chứng nhận chỉ bằng 1/3 chứng nhận quốc tế.

"Quan trọng là phải xây dựng được thương hiệu, uy tín của chứng nhận hữu cơ Việt Nam để người tiêu dùng có niềm tin. Có như vậy mới giúp nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển, nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia sản xuất và tiêu dùng thực phẩm hữu cơ. Nếu giá rau hữu cơ chỉ cao hơn rau thường 30% (cùng giá bán lẻ) thì rất nhiều gia đình có thể sử dụng 100% sản phẩm hữu cơ hằng ngày" - chị Quyên tin tưởng.

Không hối hận

Trước khi khởi nghiệp, chị Quyên làm ở một công ty đa quốc gia 8 giờ/ngày, lương gần 20 triệu đồng/tháng, kinh tế gia đình có thể nói là dư dả. Việc chọn khởi nghiệp đã khiến chị vất vả rất nhiều.

"Tôi không hối hận vì tin tưởng con đường mình chọn là đúng, dù thành quả đến chậm hơn dự kiến. Ngành bán lẻ thực phẩm hữu cơ vẫn rất tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư muốn mua lại hệ thống Organicfood nhưng tôi không bán. Dự định của Organicfood là tiếp tục xây dựng hệ thống mạnh hơn, có lãi tốt trước khi gọi vốn để mở chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ tiện lợi vào khoảng năm 2028" - chị Quyên mong ước.

VƯƠNG NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quyen-organic-va-uoc-mo-rau-huu-co-gia-mem-196240623192439329.htm