Quyền tiếp cận nước sạch trong pháp luật quốc tế và Việt Nam
Nước là một nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng phải đến tháng 7/2010, quyền tiếp cận nước sạch mới được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận là một quyền cơ bản của con người. Tại Việt Nam, quyền tiếp cận nước sạch không chỉ được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý, mà còn là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
![Theo thống kê của Liên hợp quốc, cứ 5 người ở vùng Sừng châu Phi thì có 1 người không được tiếp cận với nước sạch do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và lũ lụt thường xuyên. (Nguồn: World Bank)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_194_51429913/0b99d1b1ebff02a15bee.jpg)
Theo thống kê của Liên hợp quốc, cứ 5 người ở vùng Sừng châu Phi thì có 1 người không được tiếp cận với nước sạch do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và lũ lụt thường xuyên. (Nguồn: World Bank)
Quyền tiếp cận nước sạch trong pháp luật quốc tế
Quyền tiếp cận nước sạch được ghi nhận là một quyền cơ bản của con người vào năm 2010. Trước đó, quyền tiếp cận nước sạch (nước uống, cung cấp nước, nước uống sạch) chưa được ghi nhận cụ thể, trực tiếp, rõ ràng, đầy đủ mà chỉ được quy định gián tiếp thông qua các quyền cơ bản khác của con người, cụ thể:
Trong Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR), quyền tiếp cận nước sạch chỉ được ghi nhận là “quyền hàm chứa” trong các quy định về quyền sống, quyền có mức sống thích đáng, quyền về sức khỏe...
Hội nghị về nước của LHQ (năm 1997) đã thống nhất “tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị kinh tế, xã hội, đều có quyền tiếp cận nước uống với số lượng và chất lượng bảo đảm cho các nhu cầu cơ bản của con người”.
Năm 2000, tại Bình luận chung số 14 về quyền được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao nhất, Ủy ban Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa chỉ ra rằng, “quyền được chăm sóc sức khỏe bao gồm một loạt các yếu tố kinh tế - xã hội thúc đẩy những điều kiện, trong đó con người có thể hưởng thụ một cuộc sống lành mạnh và mở rộng sang những yếu tố quyết định đến sức khỏe, chẳng hạn như… tiếp cận nước sạch và nước uống, vệ sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh và một môi trường lành mạnh”.
Tiếp đó, năm 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường tại Johannesburg ở Nam Phi, nước được xếp ở vị trí cao nhất trong số những thứ hạng ưu tiên để phát triển bền vững quốc gia và quốc tế (nước - năng lượng - sức khỏe - nông nghiệp và đa dạng sinh học).
Bình luận chung số 15 về quyền sử dụng nước, khẳng định: “Một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó không thể thiếu quyền có nước uống. Nó là điều kiện tiên quyết để đạt được các quyền con người khác”. Đây có thể coi là văn kiện pháp lý quốc tế đầy đủ nhất về quyền sử dụng nước, nhằm “bảo đảm mọi người có thể tiếp cận với nguồn cung cấp nước một cách đầy đủ, an toàn, có thể chấp nhận và chi trả được”.
Ngày 28/7/2010, tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ về quyền tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh, LHQ bỏ phiếu thông qua quyền được sử dụng nước sạch và các điều kiện vệ sinh là quyền cơ bản của con người, đứng độc lập với các quyền cơ bản khác. Theo đó, Nhà nước phải tạo ra những điều kiện, quy tắc, dự án đầu tư hoặc điều kiện đầu tư thích hợp để cải thiện tình trạng cung cấp nước sạch cho người dân.
Để bảo đảm quyền được tiếp cận nước sạch, Ủy ban Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã đưa ra những tiêu chuẩn tối thiểu mà các quốc gia cần bảo đảm:
Thứ nhất, bảo đảm tính sẵn có. Việc cung cấp nước cho người dân phải liên tục và đủ cho nhu cầu sử dụng của cá nhân và mỗi gia đình, bao gồm nước uống, nước dùng để vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, nấu ăn; tối thiểu khoảng 20 lít/người/ngày; phải phù hợp với các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thứ hai, bảo đảm chất lượng nước. Nước dùng phải an toàn, không chứa các vi chất, thành phần hóa học, kim loại, vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh hoặc các chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người; màu, mùi, vị trong phạm vi chấp nhận được. Việc xác định và bảo đảm nguồn nước an toàn dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại quốc gia, địa phương.
Thứ ba, bảo đảm nguồn nước có thể tiếp cận. Mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, đều có quyền tiếp cận với nước, các điều kiện và dịch vụ về nước. Nước đầy đủ, an toàn và chấp nhận được phải được cung cấp bình đẳng với giá cả phù hợp (nằm trong khả năng chi trả, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân)1 đến tất cả mọi người; không phân biệt, nhất là nhóm dễ bị tổn thương, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững, LHQ đưa ra các quy định về mục tiêu bảo đảm nước sạch và vệ sinh trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Trong 17 mục tiêu chính, với 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu cần đạt được, có mục tiêu 6 về “bảo đảm nước sạch và sự cải thiện điều kiện vệ sinh”.
![Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai hướng dẫn các hộ dân tại xã Cốc San, TP. Lào Cai cách sử dụng bồn nước nhựa. (Ảnh: Hạnh Nguyễn)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_194_51429913/900a4e22746c9d32c47d.jpg)
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai hướng dẫn các hộ dân tại xã Cốc San, TP. Lào Cai cách sử dụng bồn nước nhựa. (Ảnh: Hạnh Nguyễn)
Quyền tiếp cận nước sạch trong pháp luật Việt Nam
Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ghi nhận vấn đề nước sạch và tiếp cận nước sạch.
Vấn đề nước sạch và tiếp cận nước sạch được pháp luật ghi nhận với tư cách là một bộ phận cấu thành của môi trường thông qua các quyền liên quan đến môi trường và bảo vệ môi trường tại các bản Hiến pháp.
Hiến pháp năm 1980 quy định: “Các cơ quan nhà nước, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân đều có nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ, cải tạo và tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sống”.
Hiến pháp năm 1992 xác định: bảo vệ môi trường là nghĩa vụ pháp lý của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội, nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường.
Điều 43 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Lần đầu tiên, quyền con người đối với môi trường được ghi nhận và quyền tiếp cận nước sạch được hiểu là một phần của quyền này.
Đến năm 2012, vấn đề nước sạch và quyền tiếp cận nước sạch được quy định trực tiếp trong Luật Tài nguyên nước. Đây là công cụ pháp lý quan trọng nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, tránh các hiện tượng cực đoan xảy ra, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Luật quy định về việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam2; "Nhà nước ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước để giải quyết nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt sao cho bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng về quyền lợi giữa cá nhân và tổ chức trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước"3... nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận và sử dụng nước của mọi người dân. Để cụ thể hóa các quy định của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 và nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực thi hoạt động khai thác nguồn nước.
Ngoài ra, nước sạch và tiếp cận nước sạch cũng được quy định trong một số văn bản pháp luật khác như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Thủy lợi năm 2017; mục tiêu 6, Nghị quyết số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 Chính phủ về phát triển bền vững - “bảo đảm đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người”… Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng thể là bảo đảm người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; bảo đảm vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Có thể thấy, quyền tiếp cận nước sạch được quy định khá đầy đủ ở nhiều văn bản khác nhau trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
![Lính công binh Việt Nam mang nước sạch về cho người dân Abyei.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_194_51429913/6382b1aa8be462ba3bf5.jpg)
Lính công binh Việt Nam mang nước sạch về cho người dân Abyei.
Bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch cho người dân
Trong quá trình mở cửa, hội nhập, Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo đảm quyền con người; tích cực, chủ động hoàn thiện pháp luật, xây dựng đồng bộ các chương trình, mục tiêu quốc gia nhằm tạo sự phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm môi trường sống cho mọi người.
Trên thực tế, nhiều vấn đề về môi trường và phát triển, môi trường và quyền bảo đảm sức khỏe của mọi người dân đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, đặc biệt là quyền tiếp cận nguồn nước.
Tuy nhiên, theo Báo cáo “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” của Quỹ Nhi đồng LHQ tháng 12/2022, để đạt được mục tiêu SDGs 6.1 và 6.2 thì Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, khi mà mới có 57,9% người dân sử dụng nước uống được quản lý an toàn và 43.9% người dân sử dụng công trình vệ sinh được quản lý an toàn4.
Trước đó, năm 2020, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém; gần 250 ngàn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm; khoảng 200.000 người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước.
Theo một nghiên cứu của WHO về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Bên cạnh đó, có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen5.
Để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận nước sạch cho người dân, Việt Nam cần tập trung một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, dựa trên hướng tiếp cận dựa trên quyền con người. Mặt khác, rà soát, đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống, chính sách pháp luật để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tế.
Thứ hai, tăng cường và nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả quản lý và thực thi pháp luật của các cán bộ liên quan; tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực thi, chấp hành pháp luật của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động tiếp cận tài nguyên nước và bảo đảm việc tiếp cận nguồn nước.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của cộng đồng và đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn nước và thực thi quy định pháp luật về quyền tiếp cận nguồn nước. Huy động tối đa các nguồn lực và sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện mục tiêu nước sạch và vệ sinh bền vững.
Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.
1 Điểm h Khoản 2 Điều 14 Công ước CEDAW; Điểm c Khoản 2 Điều 24 Công ước CRC; Điểm a Khoản 2 Điều 28 Công quốc quốc tế về quyền của người khuyết tật
2 Điều 1 Luật Tài nguyên nước 2012
3 Khoản 3 Điều 4 Luật Tài nguyên nước năm 2012
4 Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.pdf (unicef.org)
5 : Cục Quản lý tài nguyên nước (2020) “Tiếp tục báo động an ninh nước sạch”, nguồn: http://dwrm.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Hoat-dong-cua-dia-phuong/Tiep-tuc-bao-dong-an-ninh-nuoc-sach-9344