Quyết định sai lầm dẫn tới cái giá đắt trong thảm kịch Itaewon

Thông tin chỉ có 137 sĩ quan quản lý đám đông có thể lên tới 100.000 người tại Itaewon khiến nhiều người phẫn nộ. Chuyên gia cho rằng thảm kịch này hoàn toàn có thể tránh được.

Khi nhóm nhạc BTS tổ chức buổi biểu diễn với sự tham gia của 55.000 người, giới chức Hàn Quốc chỉ định 1.300 cảnh sát để quản lý đám đông. Với các cuộc biểu tình, dù quy mô khiêm tốn tới đâu, cảnh sát Hàn Quốc nổi tiếng với việc lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo đám đông không vượt quá tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, phương án này đã không được áp dụng vào tối 29/10, khi hàng chục nghìn thanh niên Hàn Quốc đổ xô tới khu phố Itaewon để ăn mừng Halloween. Cảnh sát chỉ định 137 sĩ quan. Hầu hết trong số này nhằm mục đích đề phòng tội phạm như quấy rối tình dục, trộm cắp và sử dụng ma túy.

New York Times nhận định quyết định này đã đi kèm một cái giá đắt vào sáng hôm sau: Hơn 150 người thiệt mạng trong con hẻm nhỏ, hẹp và dốc, dẫu cho họ chỉ muốn được tận hưởng và vui chơi trong một buổi tối tháng 10.

Trong khi các quan chức chưa công bố chuyện gì đã xảy ra vào tối 29/10, chỉ nói họ đã mất cảnh giác, nhiều người cho rằng lỗi nằm ở việc không có phương án quản lý đám đông, ngay cả khi mọi thứ đã trở nên mất kiểm soát.

 Thảm kịch xảy ra trong con hẻm nhỏ, hẹp và dốc ở Itaewon tối 29/10. Đồ họa: SCMP.

Thảm kịch xảy ra trong con hẻm nhỏ, hẹp và dốc ở Itaewon tối 29/10. Đồ họa: SCMP.

"Đây rõ ràng là thảm họa nhân tạo", Park Ji-hyun, lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, nói. "Giới chức trách phải chịu trách nhiệm khi không kiểm soát được đám đông, ngay cả khi năm nay dự kiến đông hơn năm ngoái".

Thảm họa "nhân tạo"?

Theo Reuters, chính quyền Yongsan đã thảo luận về các biện pháp ngăn chặn sử dụng ma túy bất hợp pháp và Covid-19 lây lan trong dịp cuối tuần Halloween. Tuy nhiên, không có dòng nào đề cập tới việc kiểm soát đám đông.

Hôm 29/10, theo ước tính, có khoảng 100.000 người ở Itaewon. Theo Seoul Metro, 130.000 hành khách đã sử dụng nhà ga Itaewon cùng ngày, so với 96.000 người trong cuối tuần Halloween 2019 và 60.000-80.000 người trong thời gian đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, chỉ có 137 cảnh sát ở Itaewon vào thời điểm đó, nhiều hơn con số 85 sĩ quan được triển khai vào năm 2021.

Để so sánh, gần 4.000 cảnh sát đã được cử đến ở Gwanghwamun - trung tâm Seoul - trong cùng buổi tối hôm đó để kiểm soát một cuộc biểu tình. Thậm chí, lực lượng đặc nhiệm điều tra lý do đám đông tăng đột biến còn có tận 475 thành viên, lớn hơn gấp 3 lần so với số lượng người kiểm soát đám đông.

Những người tới Itaewon thường di chuyển đến khu phố bằng tàu điện ngầm và lối ra số 1 của ga. Nhiều người đi thẳng tới con hẻm gần đó vì đây là lối tắt dẫn tới các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm.

Tới khoảng 22h, hàng trăm người - hầu hết trong độ tuổi 20 và 30 - mắc kẹt tại con hẻm này. Làn sóng người xô đẩy trên con dốc, chen lấn để đi ngược chiều, trong khi tiếng nhạc át đi tiếng kêu cứu của những người bị nghẹt thở.

 Người phụ nữ cúi đầu trước nơi tưởng niệm tạm thời gần hiện trường xảy ra thảm kịch đêm Halloween ở Seoul hôm 1/11. Ảnh: Reuters.

Người phụ nữ cúi đầu trước nơi tưởng niệm tạm thời gần hiện trường xảy ra thảm kịch đêm Halloween ở Seoul hôm 1/11. Ảnh: Reuters.

Theo New York Times, các chuyên gia nói rằng cảnh sát và quan chức địa phương lẽ ra cần xác định con hẻm là nút thắt cổ chai nguy hiểm và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Đây cũng là ý kiến mà giáo sư Kong Ha-song - chuyên về phòng chống thảm họa tại Đại học Woosuk - nói với AP. Ông khẳng định đáng lẽ cần có thêm cảnh sát và quan chức giám sát các điểm nghẽn tiềm ẩn.

Tuy nhiên, cả cảnh sát, thành phố Seoul và chính quyền trung ương đều không có kế hoạch kiểm soát đám đông. Và Halloween ở Itaewon cũng không có ban tổ chức, nên không ai có mặt để phân luồng giao thông.

Lee Changmoo - giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Hanyang - nhận định vụ việc đêm 29/10 nên được coi là thảm họa "nhân tạo".

AP dẫn lời chuyên gia nhận định việc triển khai quá ít cảnh sát cho thấy các quan chức không chuẩn bị đầy đủ, dù biết trước sẽ có cuộc tụ họp lớn sau khi nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19 trong những tháng gần đây.

Các chuyên gia cho biết ngoài việc phân công thêm nhân sự, cảnh sát và quan chức quận Yongsan nên cấm ôtô lưu thông trên một số tuyến phố và thực hiện các biện pháp giảm bớt tình trạng đông đúc ở những con đường hẹp như nơi xảy ra thảm kịch.

Ông Kong cho hay có khả năng vụ việc đã không xảy ra, nếu giới chức lập làn đường đi bộ một chiều, chặn tiếp cận một số lối đi hẹp và tạm thời đóng cửa ga tàu điện ngầm Itaewon để ngăn việc quá nhiều người hướng tới một điểm.

Ngoài ra, vị giáo sư nhận định các quan chức có thể tạm thời đóng cửa con đường chính của Itaewon với ôtô, như họ đã làm trong Lễ hội Làng Toàn cầu Itaewon hàng năm hồi đầu tháng 10. Điều này có thể giúp mọi người có thêm không gian để tản ra.

Chỉ hai tuần trước đó, trong Lễ hội Làng Toàn cầu Itaewon do hiệp hội du lịch tổ chức và tài trợ bởi thành phố Seoul và quận Yongsan, có nhiều người mặc áo vest vàng điều hướng dòng người di chuyển, trong khi ôtô không được lưu thông trên con đường chính.

"Điểm mù" an ninh công cộng

Ông Kong cho hay việc thiếu ban tổ chức vào hôm 29/10 có thể đã góp phần gây nên thảm kịch.

“Hàn Quốc thường làm rất tốt việc tuân theo quy định và duy trì kiểm soát đám đông tại các sự kiện có ban tổ chức cụ thể”, ông nói. “Tuy nhiên, các quan chức thường không chắc phải làm gì, hoặc thậm chí không để tâm tới các sự kiện không có ban tổ chức cụ thể, mặc dù đây là sự kiện thường cần theo dõi sát sao hơn”.

Giáo sư Kong nhận định những đám đông như đêm Halloween có thể là "điểm mù trong an ninh công cộng của chúng tôi, khi không ai chịu trách nhiệm kiểm soát đám đông”. Họ cũng chỉ có thể phỏng đoán quy mô sự kiện và cách phân bổ nguồn lực.

Mặc dù Hàn Quốc có hướng dẫn an toàn cho các lễ hội dự kiến thu hút hơn 1.000 người, hướng dẫn này nêu cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm lập kế hoạch an toàn và yêu cầu nguồn lực từ chính phủ.

 Giày của các nạn nhân xếp gọn tại một trung tâm cất giữ đồ đạc liên quan tới thảm kịch trong lễ Halloween ở Seoul. Ảnh: Reuters.

Giày của các nạn nhân xếp gọn tại một trung tâm cất giữ đồ đạc liên quan tới thảm kịch trong lễ Halloween ở Seoul. Ảnh: Reuters.

Paek Seung-joo - giáo sư về phòng cháy và chống thiên tai tại Đại học Open Cyber của Hàn Quốc - cho biết: “Chỉ vì sự kiện không đi kèm cụm 'lễ hội' trong tên không đồng nghĩa với việc sẽ có sự khác biệt trong quản lý thảm họa".

"Vì không có cơ quan trung ương, mỗi chính quyền địa phương chỉ làm những gì họ thường làm: Sở cứu hỏa chuẩn bị cho hỏa hoạn và cảnh sát chú ý tội phạm. Cần thiết lập hệ thống mà giới chức địa phương nắm quyền và hợp tác với các cơ quan chức năng khác chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất", ông nói.

Tuy nhiên, các nhân chứng cho hay vấn đề không chỉ nằm ở việc lập kế hoạch, mà còn do khâu thực hiện, theo New York Times.

Seo Na-yeon - 14 tuổi - nói mình đã gọi cho cảnh sát 2 lần khi chứng kiến có người bị xô đẩy, nhưng không nhận được sự trợ giúp nào, mặc dù sở cứu hỏa và trung tâm sơ cứu gần nhất của chính phủ chỉ cách con hẻm khoảng 660 m.

Tuy nhiên, Seo nói mình nhìn thấy một cảnh tượng khác: Cảnh sát quan tâm tới những người bán hàng rong trên đường, nhưng không ai giám sát đám đông. Điều này khác hẳn với lần trước Seo đến khu vực này vào dịp Halloween năm 2019, trước đại dịch Covid-19, khi hàng chục cảnh sát điều hướng mọi người.

Hẻm tử thần ở Itaewon sau thảm kịch 154 người thiệt mạng Sau vụ giẫm đạp khiến hơn 150 người chết ở Itaewon, hiện trường thảm kịch đã được cảnh sát quây kín. Vật dụng cá nhân của nạn nhân vẫn ngổn ngang dọc con hẻm, theo Korea Times.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyet-dinh-sai-lam-dan-toi-cai-gia-dat-trong-tham-kich-itaewon-post1370880.html