Quyết liệt đẩy nhanh các dự án trọng điểm
Công văn khẩn của Văn phòng UBND TP HCM thêm lần nữa khẳng định quyết tâm thực hiện đường Vành đai 3 cùng các dự án trọng điểm khác theo cách hiệu quả nhất
Văn phòng UBND TP HCM vừa có công văn khẩn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đối với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông (Thông báo 29 ngày 15-2 của Văn phòng Chính phủ).
Kịp thời gỡ vướng mắc
Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở GTVT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 29.
Theo thông báo trên, sau khi kiểm tra tình hình thực hiện dự án Vành đai 3 TP HCM và một số công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Cùng với đó, quán triệt các địa phương, hệ thống chính trị nâng cao tinh thần trách nhiệm, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện phải bảo đảm công khai, minh bạch, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu; xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá làm ảnh hưởng thi công dự án. Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng.
Các địa phương phải đẩy nhanh thủ tục, sớm hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp của các dự án mà địa phương được giao là cơ quan chủ quản, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Chậm nhất tháng 6-2023 khởi công đồng loạt các dự án.
Trong công văn khẩn của Văn phòng UBND TP HCM, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng. Đồng thời chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND thành phố báo cáo, kiến nghị các bộ, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.
Khẩn trương vào cuộc
Vành đai 3 TP HCM là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam với tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng (giai đoạn 1). Tuyến dài 76 km là công trình liên vùng, đi qua 4 địa phương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Dự án dự kiến khởi công giữa năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm.
Chính phủ đã xác định Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nắm giữ vai trò "đầu tàu", dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước. Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 tạo động lực phát triển cho Vùng kinh tế này. Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Ông yêu cầu đơn vị liên quan không đùn đẩy công việc thuộc thẩm quyền quản lý lên cơ quan cấp trên hoặc cơ quan khác. Người đứng đầu và cấp phó được giao phụ trách sẽ bị phê bình, xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra việc chậm phối hợp hay không tham gia ý kiến góp ý đối với lĩnh vực phụ trách.
Với các giải pháp, sáng kiến thực hiện thành công, mang lại hiệu quả cho dự án Vành đai 3, thành phố sẽ khen thưởng vượt cấp, vượt bậc, đột xuất; xem xét đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý những cá nhân nổi bật.
Về bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh được giao tổ chức lấy ý kiến người dân về dự thảo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Phương án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cũng như đối thoại với những trường hợp chưa đồng thuận.
UBND TP HCM yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố. Các đơn vị tham gia thực hiện dự án như UBND các địa phương có dự án đi qua, sở, ban, ngành, chủ đầu tư cùng chung sức, đồng lòng phối hợp triển khai. Từ đó, bảo đảm kế hoạch, tiến độ đề ra.
"TP HCM đặt mục tiêu bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 30-6 để khởi công và bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31-12, góp phần hoàn thành dự án Vành đai 3 vào năm 2025.
Đề nghị các tỉnh hỗ trợ vật liệu
Qua xác định trữ lượng có thể khai thác tại các mỏ khoáng sản, TP HCM nhận thấy nguồn cát xây dựng và cát đắp nền đường vẫn còn thiếu so với nhu cầu vật liệu xây dựng của dự án đường Vành đai 3.
Do đó, UBND TP HCM đã có văn bản đề nghị UBND 5 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp cho phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng, cát đắp nền) tại các mỏ cát của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư dự án thành phần... rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án.
Nhiều dự án cấp bách cần vốn BOT
Từ ngày 20 đến 22-2, trong loạt bài "Tạo xung lực cho các dự án lớn", Báo Người Lao Động phân tích 6 dự án mà Sở GTVT TP HCM đề xuất thực hiện theo hình thức BOT, BT. Những dự án này hầu hết nằm ở cửa ngõ, mang tính kết nối vùng, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho không chỉ thành phố mà còn các tỉnh lân cận.
Đó là các dự án mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22; xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam nối ra Vành đai 3; xây dựng trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - KCN Hiệp Phước); xây dựng đường động lực (song song Quốc lộ 50). Kinh phí để thực hiện 6 dự án này lần lượt ước tính là 12.200 tỉ đồng, 12.900 tỉ đồng, 1.200 tỉ đồng, 13.837 tỉ đồng, 54.204 tỉ đồng và 3.816 tỉ đồng.
Nhận định về triển khai 6 dự án, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, cho biết rất cấp bách vì đây là những dự án nằm trong nhóm kết nối vùng, cần ưu tiên đầu tư.
Còn theo các chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách TP HCM có hạn, việc huy động mọi nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm là cần thiết. Để dự án phát huy hiệu quả, quá trình thực hiện cần minh bạch các phương án tài chính, có giám sát và phản biện tốt.