Quyết liệt để thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2025

Dự án đường Hồ Chí Minh đã có 18 năm thực hiện và được Quốc hội hai lần gia hạn thời gian thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trước thực tế này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiến hành khảo sát, báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình Kỳ họp thứ Ba. Có cùng sự sốt ruột với cơ quan thẩm tra, tại phiên họp chiều 6.6, các ĐBQH yêu cầu Chính phủ phải quyết liệt thực hiện để hoàn thành dự án, thông toàn tuyến vào năm 2025.

Những đoạn tuyến hoàn thành đã cho thấy rõ hiệu quả

Chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh - một tuyến đường hết sức quan trọng đã được Quốc hội Khóa XI thông qua từ năm 2004, với mục tiêu đặt ra là hoàn thành các tuyến đường, thông xe hai làn xe vào năm 2010. Do mục tiêu này đã không hoàn thành, Quốc hội Khóa XIII đã quyết định là ban hành Nghị quyết 66/2013 điều chỉnh một số nội dung, trong đó cũng đặt ra mục tiêu là thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe vào năm 2020. Dự án đường Hồ Chí Minh như vậy được thực hiện trong 18 năm, đến nay hoàn thành 86,1% tổng khối lượng.

Tiến độ như vậy là không bảo đảm theo phân kỳ đầu tư tại Nghị quyết 66 của Quốc hội và chậm 12 năm so với nghị quyết của Quốc hội Khóa XI.

"Lẽ ra trong 18 năm qua, việc đầu tư các đoạn tuyến phải được ưu tiên tổ chức triển khai để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Sự chậm trễ này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả dự án, do chậm đưa vào sử dụng làm tăng vốn đầu tư, hạn chế sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng, miền nơi dự án đi qua”. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đề nghị, cần đánh giá kỹ, làm rõ nguyên nhân và những tồn tại, hạn chế dẫn đến sự chậm trễ này, qua đó rút ra những bài học cho việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án quan trọng quốc gia khác trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Khánh

Đến năm 2025 có thực sự thông toàn tuyến không?

Do dự án đường Hồ Chí Minh đã được gia hạn đến hai lần, nên ĐB Nguyễn Hữu Toàn và nhiều ĐBQH khác cũng nhất trí đề nghị, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội cần quy định rõ thời hạn đến năm 2025 phải hoàn thành dứt điểm các dự án thành phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, qua đó tạo cơ sở cho Chính phủ thực hiện và Quốc hội giám sát.

Tuy nhiên, "đến năm 2025 có thực sự thông toàn tuyến hay không?" là câu hỏi được ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đặt ra. Bởi, Chính phủ đề xuất, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cân đối nguồn vốn để triển khai 2 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến dài 87km chưa được đưa vào bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và sẽ nghiên cứu đầu tư cho mô hình cao tốc để triển khai trong giai đoạn tới.

Trong khi đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa thi công, Chính phủ đề xuất tận dụng Quốc lộ 32 và 21 thay thế để phát huy hiệu quả toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Nhưng, ĐB Nguyễn Thành Nam chỉ rõ, theo Phụ lục 1 của Nghị quyết 66 của Quốc hội thì Cổ Tiết và Chợ Bến là 2 điểm khống chế mà đường Hồ Chí Minh đi qua. Việc thông toàn tuyến quy mô 2 làn xe theo đề xuất của Chính phủ chưa thật sự đúng với việc thông toàn tuyến theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Hoàng Đức Chính (Hòa Bình) nhận thấy, Chính phủ đề xuất đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến sẽ được tiến hành đầu tư sau năm 2025, nhưng chưa chỉ rõ về hình thức đầu tư, cũng như chưa xác định cụ thể thời gian hoàn thành. Để bảo đảm hiệu lực Nghị quyết của Quốc hội, ĐB Hoàng Đức Chính đề nghị, Chính phủ xác định rõ hình thức đầu tư và thời điểm đầu tư đoạn tuyến Cổ Tiết - Chợ Bến; rà soát, bố trí nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để tiến hành đầu tư tất cả các đoạn, tuyến chưa hoàn thành, bảo đảm thông toàn tuyến dự án.

Giải trình ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 2011 - 2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ phải ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2016 - 2020, có chủ trương khởi động lại các dự án này, nhưng nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.

Dù việc chậm tiến độ thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh chủ yếu do các nguyên nhân khách quan mang lại, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ, ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ rà soát, bố trí nguồn vốn.

Bộ trưởng cũng khẳng định, các dự án đường cao tốc hiện nay thực hiện theo Luật Đầu tư công, chúng ta đã bố trí đủ nguồn lực, không như giai đoạn trước đây là bố trí nguồn lực theo khả năng, theo giai đoạn. “Do vậy, những dự án đủ vốn mới triển khai và với sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương thì có thể tin tưởng trong giai đoạn sắp tới dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án khác sẽ thực hiện đúng tiến độ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Đường Hồ Chí Minh là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Quốc hội đã có hai lần gia hạn tiến độ thực hiện và qua 18 năm triển khai đến nay vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến. Do vậy, các ĐBQH yêu cầu “không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài nhiều năm sang giai đoạn 2026 - 2030”. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện, bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành dự án này.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/quyet-liet-de-thong-toan-tuyen-duong-ho-chi-minh-vao-nam-2025-i291352/