Quyết liệt giảm nợ thuế

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý nợ, ngành Thuế đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ đọng, nhất là những khoản nợ kéo dài khó thu hồi, phấn đấu không để nợ thuế vượt quá 5% tổng thu, không để phát sinh nợ mới.

ngành Thuế đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ đọng. Nguồn: internet

ngành Thuế đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm nợ đọng. Nguồn: internet

Nợ đọng còn lớn

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến thời điểm ngày 31/12/2019 là 80.830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ở mức 6,3%. Trong đó tiền nợ có khả năng thu là 40.602 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,2% tổng số tiền nợ thuế; nợ thuế không còn khả năng thu hồi là 40.228 tỷ đồng, chiếm 49,8% tổng số tiền nợ thuế.

Cụ thể, theo Phó Vụ trưởng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) Đoàn Xuân Toản, số tiền thuế nợ đọng đến thời điểm cuối năm 2019 vẫn còn lớn, chủ yếu là do các khoản nợ không có khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt, tiền chậm nộp chiếm tới 71,4% tổng số tiền nợ thuế. Số nợ thuế, phí và nợ tiền đất chỉ còn chiếm 28,6% tổng số tiền nợ thuế. Nếu xét theo tình hình nợ thuế của các địa phương về tỷ trọng nợ thuế trên tổng thu ngân sách năm 2019, có 23/63 địa phương có tỷ lệ nợ ở mức dưới 5%; 40/63 địa phương có tỷ lệ nợ ở mức hơn 5%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã giảm 0,4% so năm 2018. Tuy nhiên, tổng nợ trên tổng thu vẫn còn cao so với mục tiêu đặt ra là dưới 5%. Chẳng hạn, tại Hải Phòng, tính đến ngày 31/12/2019, số tiền nợ thuế là hơn 1.900 tỷ đồng, tăng gần 165 tỷ đồng so thời điểm ngày 31/12/2018. Nguyên nhân chủ yếu do nợ từ Vinalines, Vinashin chiếm tới một phần tư tổng số nợ nhưng chưa thể thu hồi, vẫn phải tính tiền chậm nộp, tiền phạt vì không thuộc đối tượng xóa nợ thuế.

Theo ông Đoàn Xuân Toản, do sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn gặp khó khăn, nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán; tài sản đã thế chấp tại ngân hàng dẫn đến không nộp ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN). Bên cạnh yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, một bộ phận DN mới khởi nghiệp cũng gặp khó khăn về tài chính, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, lựa chọn ngành nghề không phù hợp nhu cầu thị trường dẫn đến phát sinh nợ thuế mới, làm số nợ thuế tăng lên...

Ngoài ra, việc nợ thuế tăng trong thời gian qua một phần cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của các DN. Nhiều người nộp thuế (NNT) vẫn nhầm lẫn trong việc xác định mục, tiểu mục để nộp tiền thuế vào ngân sách, dẫn đến phát sinh nợ chờ điều chỉnh. Sự phối hợp của một số cơ quan như: Ngân hàng, công an, tòa án, thi hành án, đăng ký kinh doanh… chưa tốt, dẫn đến việc thu hồi nợ thuế chưa hiệu quả.

Giao chỉ tiêu thu hồi đến từng cục thuế

Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhiệm vụ đặt ra đối với các cục thuế là phải giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm ngày 31/12/2020 xuống dưới 5% tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu cơ quan thuế các cấp áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp cưỡng chế nợ theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế đối với NNT vi phạm pháp luật thuế, chây ỳ nợ thuế, cố tình chiếm dụng tiền thuế phải nộp vào NSNN. Bên cạnh đó, để xử lý triệt để các khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi, yêu cầu cơ quan thuế các cấp tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 94/2019/QH14 của QH về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN.

Ngay trong tháng 1/2020, Tổng cục Thuế đã có văn bản giao nhiệm vụ, chỉ tiêu thu tiền nợ thuế cho các cục thuế. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế khi giao chỉ tiêu phải cụ thể, đến từng bộ phận, lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo các phòng, các chi cục thuế, các đội thuế, thậm chí đến từng cán bộ làm công tác quản lý nợ thuế. Cùng với việc giao chỉ tiêu thu nợ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan thuế, đẩy mạnh tuyên truyền để NNT hiểu và chủ động thực hiện nghĩa vụ thuế, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý tiền chậm nộp cho các DN gặp khó khăn khách quan, tạo điều kiện cho NNT đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế.

Về các trường hợp nợ thuế không có khả năng thu hồi, đại diện Tổng cục Thuế cho biết sẽ sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi, Thông tư hướng dẫn Nghị quyết số 94/2019/QH14 về xử lý nợ thuế như: Khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn nộp thuế, không tính tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch…

Tổng cục Thuế cũng sẽ sớm tái thiết kế, sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ và quy trình cưỡng chế nợ thuế theo Luật Quản lý thuế sửa đổi và cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các cục thuế, chi cục thuế mới. Hằng tháng, tổ chức theo dõi chặt chẽ, sát sao, thường xuyên, liên tục tình hình nợ thuế để chỉ đạo kịp thời các cục thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ. Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xử lý nợ tại một số cục thuế, chi cục thuế. Tập trung kiểm tra việc phân loại nợ thuế, tổng hợp đầy đủ các khoản tiền nợ, việc thực hiện cưỡng chế, đôn đốc thu tiền thuế nợ vào NSNN.

Xây dựng kế hoạch thu nợ chi tiết, cụ thể

Để kịp thời áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với NNT cố tình chây ỳ, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các DN nợ thuế lớn, thông báo danh sách DN nợ thuế để yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tổ chức đôn đốc ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để nợ kéo dài, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ thuế. Đối với các trường hợp cưỡng chế, kiên quyết thực hiện cưỡng chế thuế nợ, công khai thông tin NNT chây ỳ nợ thuế, không nộp tiền thuế nợ đúng hạn trên báo, đài, trang web cơ quan thuế, loa phát thanh của phường, xã theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Tại Bắc Ninh, một trong những địa phương thực hiện khá tốt và dứt điểm việc thu hồi nợ thuế, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Thuế Bắc Ninh cho biết, ngay từ những ngày đầu năm, Cục Thuế Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ chi tiết đối với từng NNT, từng địa bàn, khu vực kinh tế. Cục Thuế Bắc Ninh cũng đã tập trung rà soát danh sách các DN còn nợ thuế lớn kéo dài, mời DN còn nợ đọng thuế đến cơ quan thuế làm việc, lập biên bản yêu cầu DN cam kết về thời gian nộp tiền thuế nợ vào NSNN.

Hay tại Lâm Đồng, ông Nguyễn Trọng Thoan, Cục trưởng Thuế Lâm Đồng cho biết, việc giao chỉ tiêu thu nợ cho từng phòng, từng chi cục và từng công chức làm công tác quản lý nợ thuế đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Sau khi giao chỉ tiêu, qua theo dõi cho thấy, trong tháng 1/2020 cục thuế đã thu hồi được 50 tỷ đồng nợ thuế. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 48,7 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 1,3 tỷ đồng. Số nợ thuế đến ngày 31/1/2020 của Lâm Đồng là 502,8 tỷ đồng, giảm 6% so thời điểm ngày 31/12/2019. Tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu ngân sách ở mức 5,9%. Trong đó tổng tiền thuế nợ có khả năng thu là 125,3 tỷ đồng, giảm 21% so thời điểm ngày 31/12/2019.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố vừa diễn ra sáng 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo, trong bối cảnh cả nước vừa chống dịch, vừa thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ngành thuế cần có chương trình tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của người dân và DN, nhất là chính sách thuế. Tập trung cải cách quản lý thuế, cắt giảm thủ tục hành chính thuế, mạnh dạn đề xuất các giải pháp đột phá, giảm thiểu phiền hà, khó khăn, tạo thuận lợi cho DN và người dân nhằm giảm thiểu tình trạng nợ đọng thuế, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế.

Theo Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi, thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, trong lĩnh vực quản lý của mình, bên cạnh việc rà soát để giảm phí, lệ phí cho DN, Bộ Tài chính đã không ngừng cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thu nộp thuế; nghiên cứu giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới người dân và DN, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Việc này tạo dư địa cho công tác thu hồi nợ thuế, bảo đảm sự ổn định và an toàn trong công tác thu nộp NSNN.

Theo Thu Thủy/nhandan.com.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/quyet-liet-giam-no-thue-319534.html