Quyết liệt hành động tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
ĐBP - Năm 2023, tỉnh ta đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10%. Đây được cho là nhiệm vụ nhiều thách thức. Do đó, tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XV, nhiều đại biểu đã quan tâm, thảo luận về phương hướng, giải pháp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, nhất là Chương trình MTQG là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Trong ảnh: Công trình bổ sung, nâng cấp Trường Tiểu học và THCS Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Là tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp do đó kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn được xác định là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2023. Bên cạnh các chỉ tiêu phát triển về lương thực, cây ăn quả, thủy sản, các chỉ tiêu phát triển, tiến độ thực hiện các dự án trồng cây mắc ca rất được đại biểu quan tâm.
Đại biểu Hà Cầm Hồng, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Phát triển cây mắc ca là một chủ trương lớn, là dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Năm 2022, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, diện tích trồng mới không đạt. Quá trình thực hiện các dự án còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 UBND tỉnh chưa có nhiều thông tin về kết quả, nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện các dự án trồng mắc ca. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, UBND tỉnh cũng chưa đặt ra kế hoạch, mục tiêu và giải pháp để thực hiện các dự án mắc ca.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 85.815ha. Đến nay, các dự án mới thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai đạt 18%; tổ chức trồng đạt 28,5% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022. Tính riêng năm 2022, tổng diện tích trồng mới cây mắc ca 1.168,03ha (đạt 16,59% kế hoạch).
Đại biểu Nguyễn Tiến Đạt, tổ đại biểu huyện Mường Ảng cho rằng: Năm 2023, UBND tỉnh cần có kế hoạch và giải pháp quyết liệt đối với những nhà đầu tư không đủ năng lực, không nêu cao trách nhiệm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện dự án. Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân, đồng thời đánh mất cơ hội thu hút đầu tư các dự án tiềm năng khác. Đơn cử như huyện Mường Ảng, hiện nay, huyện có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu khảo sát, đề xuất đầu tư các dự án như: Trồng rừng, phát triển điện sinh khối, chăn nuôi… Song huyện vẫn đang tập trung tạo điều kiện cho doanh nghiệp trồng mắc ca. Tuy nhiên, cả năm 2022, tiến độ dự án mắc ca trên địa bàn huyện không tiến triển, tinh thần phối hợp của nhà đầu tư rất kém.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cho biết: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo tiến độ các dự án trồng mắc ca, hiện nay UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm công tác đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất đối với các nhà đầu tư, cũng là cơ sở để người dân tham gia vào các mô hình liên kết trồng mắc ca theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tập trung đánh giá, rà soát lại năng lực các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án; tập trung tháo gỡ khó khăn về đất đai, về cơ chế tín dụng cho nhà đầu tư. Trên cơ sở năng lực của nhà đầu tư, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh quy mô hoặc giãn tiến độ đối với các dự án mắc ca.
Hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp trọng tâm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn 3 chương trình MTQG. Năm 2022, do nguồn vốn các chương trình phân bổ muộn; các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG của các bộ, ngành chưa đầy đủ kịp thời; giá vật liệu xây dựng tăng cao, khan hiếm nguồn cung xăng dầu... đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân vốn 3 chương trình. Lũy kế giải ngân đến 31/10 của 3 chương trình MTQG đạt 10,67% kế hoạch vốn.
Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2023, trong đó có vốn các chương trình MTQG đạt 100% kế hoạch giao, đòi hỏi các địa phương phải chủ động, tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; giải phóng mặt bằng; tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận và đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Có như vậy, tỷ lệ giải ngân vốn mới đảm bảo yêu cầu đề ra, góp phần tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh năm 2023.
Năm 2023 là năm tỉnh ta chào đón nhiều sự kiện lớn, là bước chạy đà quan trọng để hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Do đó, việc hoàn thành các dự án trọng điểm chào mừng các sự kiện trọng đại đóng vai trò rất quan trọng.
Đại biểu Lưu Trọng Lư cho biết: Dự án đầu tư xây dựng và mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên; đầu tư xây dựng khu hành chính công của tỉnh; các dự án phát triển đô thị TP. Điện Biên Phủ… là những “đại dự án” của tỉnh. Năm 2023 là năm quan trọng, UBND tỉnh cần phải có giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên để góp phần làm thay đổi diện mạo, tạo động lực mới cho tỉnh Điện Biên. Đặc biệt là UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại dự án Cảng Hàng không, đồng thời phân loại thứ tự ưu tiên để đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu hành chính của tỉnh.
Đơn cử như Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, một số gói thầu đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Tại gói thầu số 15 về xây dựng hàng rào an ninh đang chậm so với kế hoạch 2 tháng do vướng mặt bằng của 6 hộ dân và một số công trình thủy nông; gói thầu số 19 về xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn sân đỗ tàu bay khởi công ngày 15/8/2022 nhưng đến nay các nhà thầu vẫn chưa triển khai thi công. Nguyên nhân là do chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của tỉnh Điện Biên cấp phép bãi đổ thải, mỏ vật liệu (đất đắp chọn lọc, đất đắp thường, cát xây dựng) nên chậm tiến độ khoảng 2 tháng.
Theo ý kiến nhiều đại biểu HĐND tỉnh, thời gian 1 năm ngắn ngủi, khối lượng công việc rất lớn, để hoàn thành 100% các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đòi hỏi phải có sự chủ động trong công tác tham mưu; UBND tỉnh phải quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo điều hành, các địa phương phải trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của cấp trên. Chúng ta không được thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được, các cấp, các ngành phải không ngừng nỗ lực vươn lên, làm chủ tình hình, chủ động thực hiện nhiệm vụ.