Quyết liệt thể chế hóa chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tư nhân

Thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quyết liệt thể chế hóa kịp thời, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân cũng như Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: Lâm Hiển

Kéo dài thời gian miễn thuế với thu nhập nghiên cứu khoa học, công nghệ

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khoản chi phí bổ sung áp dụng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết về mức chi được trừ bổ sung, điều kiện và phạm vi áp dụng.

Dự thảo Luật cũng bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản khi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong đó, quy định thể hiện rõ nhất quan điểm này là Điều 4 về thu nhập được miễn thuế đã nêu rõ: “Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam, thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật. Thu nhập tại khoản này được miễn thuế tối đa không quá 3 năm”.

ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Khẳng định, đây một bước tiến tích cực trong việc khuyến khích hoạt động đầu tư đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, song các ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng), Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ)... nhận thấy, thời gian miễn thuế tối đa không quá 3 năm là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư và phát triển của công nghệ, chưa đủ sức tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)..., cần từ 5 - 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Do vậy, các đại biểu nhất trí đề nghị, những thu nhập được quy định tại khoản 4, Điều 4 này cần được "miễn thuế tối đa không quá 5 năm".

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Bản thân một số doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của chính sách này cũng đề nghị kéo dài thời gian được miễn thuế tối đa với thu nhập từ nghiên cứu, bán sản phẩm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Nêu thực tế này, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) mong muốn, cơ quan chủ trì soạn thảo ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm với những lĩnh vực nêu trên, nhất là trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên như y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học AI, công nghệ mới.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cũng đề nghị, gia cố quy định tại khoản 2, Điều 12 về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khoa học. Bởi, quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất mới “đúng nhưng chưa đủ”. Các hoạt động ứng dụng và thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng trước khi tiến hành sản xuất đại trà sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, các ĐBQH đề nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật về trích lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Theo ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ), việc quy định trong thời hạn 5 năm kể từ khi trích lập, nếu Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích, thì doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp phải nộp lại ngân sách nhà nước và tính lãi có thể khiến doanh nghiệp ngần ngại trong việc trích lập Quỹ, nhất là đối với các dự án phát triển dài hạn cần có thời gian để triển khai và đánh giá kết quả. “Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc nới lỏng yêu cầu sử dụng Quỹ, có thể giảm tỷ lệ xuống 50% hoặc kéo dài thời gian sử dụng quỹ từ 7 - 10 năm, xem xét miễn hoặc giảm lãi phạt trong trường hợp doanh nghiệp chứng minh được khó khăn khách quan, cung cấp thông tin hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ trong việc quản lý quỹ”, đại biểu đề nghị.

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, trên quan điểm các ưu đãi về thuế của Nhà nước phải được áp dụng đúng đối tượng, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) lưu ý, cần có quy định chặt chẽ hơn trong miễn thuế với khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được quy định tại khoản 4, Điều 4 của dự thảo Luật. Lý lẽ của việc quy định chặt chẽ là để doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời, có những quy định cụ thể, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách chuyển lợi nhuận để trốn thuế.

Thời điểm có hiệu lực của Luật cần sớm hơn

"Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ”. Khẳng định bối cảnh mới trong quá trình xây dựng dự thảo Luật này, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đề nghị, cần quyết liệt thể chế hóa kịp thời, đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngay trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong đó, đại biểu lưu ý, tại Nghị quyết số 68-NQ/TW đã quy định về 3 chính sách miễn, giảm thuế cần được nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật, gồm: miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 3 năm đầu thành lập; có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đặc biệt là miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ khoản thu nhập việc chuyển nhượng cổ phần vốn góp ở tại các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đối chiếu với quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo chú ý nghiên cứu bổ sung một số chi phí được trừ khi tính chi phí chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, như chi phí về đào tạo, đào tạo lại nhân lực; cho phép tính vào chi phí thu nhập chịu thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế… “Những con số mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đã quy định rõ thì không cần nghiên cứu thêm mà nên thể chế hóa ngay trong Luật”, đại biểu nêu rõ.

Cũng trên tinh thần quyết liệt thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, thời gian có hiệu lực thi hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua cần bắt đầu ngay từ ngày 1/10/2025, thay vì chờ đến 1/1/2026 như đề xuất của Chính phủ.

Lý giải cho đề nghị này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, do đó phải thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực. Những chủ trương, chính sách mới để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ tại Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng như chính sách về phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần sớm được thể chế hóa để đi vào thực tiễn ngay.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định theo hướng "một số chính sách tốt khi ban hành được phép áp dụng lùi ngược trở lại, không nhất thiết phải áp dụng sau ngày Luật có hiệu lực thi hành". Do đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, hiệu lực áp dụng của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có thể từ ngày 1/10/2025, nhưng một số chính sách miễn thuế, giảm thuế và một số khấu trừ chi, phí, Chính phủ có thể nghiên cứu cho áp dụng từ đầu năm 2025.

Theo đại biểu, việc tận dụng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho phép áp dụng tức thời những quy định tốt, có giá trị, có ý nghĩa quan trọng sẽ tác động tích cực về mặt tâm lý, khơi dậy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng sẽ là biện pháp góp phần trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên như mục tiêu đã đề ra. “Cách làm này không mới, chúng ta đã từng cho phép lùi thời hạn áp dụng quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản”, đại biểu Phan Đức Hiếu lưu ý.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quyet-liet-the-che-hoa-chu-truong-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-kinh-te-tu-nhan-10372182.html