Quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm đất rừng
Trước tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp ngày càng diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục diện tích rừng đã bị xâm hại.

Rà soát, lập hồ sơ xử lý dứt điểm diện tích cây cà phê và cây nông nghiệp khác đang trồng trái phép dưới tán rừng
• NHỮNG CON SỐ ĐÁNG LO NGẠI
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, qua kiểm tra ngẫu nhiên trên lâm phần của các đơn vị chủ rừng tại huyện Bảo Lâm trong tháng 4/2025, đã phát hiện nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm để canh tác nông nghiệp - phổ biến nhất là trồng cà phê dưới tán rừng. Nhiều khu vực đã bị sử dụng trong thời gian dài, với cây cà phê hiện đã cho thu hoạch.
Cụ thể, tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri 20 vị trí (gồm 31,74 ha cây cà phê dưới tán rừng; 7,62 ha đất lâm nghiệp bị chiếm trồng cà phê, cây nông nghiệp; 0,9 ha đất trống chưa trồng rừng); Công ty TNHH Hà Phong 4 vị trí (gồm 9,256 ha cây cà phê dưới tán rừng; 0,35 ha đất lâm nghiệp bị chiếm trồng cà phê; 2,4 ha đất trống chưa trồng rừng); Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc 5 vị trí (gồm 0,672 ha đất lâm nghiệp bị chiếm trồng cà phê, cây nông nghiệp; 0,273 ha đất trống chưa trồng rừng). Riêng UBND xã Lộc Bảo 2 vị trí (gồm 0,246 ha đất lâm nghiệp bị chiếm trồng cà phê; 0,588 ha đất trống chưa trồng rừng).
Không chỉ vậy, tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp và phá rừng tiếp tục xảy ra trong khi các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. Việc chưa rà soát đầy đủ diện tích đất trống trong lâm phần quản lý, cũng như không triển khai trồng rừng trên diện tích đã bị phá, tiếp tục là những tồn tại kéo dài nhiều năm trên toàn tỉnh.
• CHỦ RỪNG THIẾU KIÊN QUYẾT
Mặc dù từ năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), đã ban hành Văn bản số 2680/SNN-KL ngày 29/10/2024 yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục rừng bị phá và rà soát diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, song kết quả vẫn còn hạn chế. Các địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm, dẫn đến nguy cơ đùn đẩy trách nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh sắp thay đổi cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính.
Trong khi đó, tình trạng phá rừng tại một số lâm phần, địa phương vẫn còn âm ỉ, phức tạp. Theo báo cáo ban hành ngày 8/5/2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng, từ ngày 11/12/2024 - 7/5/2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó 33 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm (chiếm 97%), diện tích rừng bị thiệt hại 4,2 ha; tổng khối lượng lâm sản thiệt hại 419,7 m3 gỗ các loại. Tuy số vụ vi phạm giảm 20 vụ so với cùng kỳ (giảm 37%), nhưng diện tích thiệt hại do phá rừng trên địa bàn lại tăng 1,49 ha (tăng 54%). Khối lượng lâm sản thiệt hại từ đầu năm đến nay tăng 291 m3 gỗ các loại (tăng 222%); số vụ vi phạm có tính chất phức tạp nổi cộm 2 vụ.
Trong số các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp có 22 vụ phá rừng (trong đó 21 vụ đã xác định được đối tượng, chiếm 95,4%), phần lớn số vụ gây thiệt hại về lâm sản với 400,7 m3 gỗ các loại. Ngoài hành vi phá rừng, cơ quan chức năng cũng xác định 6 vụ khai thác rừng (đều xác định được thủ phạm).
• KIÊN QUYẾT XỬ LÝ DỨT ĐIỂM TỒN TẠI
Để kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm những tồn tại trên địa bàn huyện Bảo Lâm nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, tránh tình trạng kéo dài, có nguy cơ đùn đẩy trách nhiệm, khó giải quyết sau khi không còn tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện và hệ thống tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động; Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Trong đó, đề nghị chỉ đạo các đơn vị chủ rừng, chính quyền các cấp triển khai ngay các biện pháp nâng cao trách nhiệm, chủ động thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Kiên quyết xử lý những trường hợp buông lỏng, che giấu hoặc không báo cáo tình hình vi phạm rừng và đất lâm nghiệp.
Đồng thời, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị lấn chiếm để lập hồ sơ xử lý, giải tỏa ngay các diện tích cây cà phê và cây nông nghiệp khác đang trồng trái phép dưới tán rừng, không để tồn tại kéo dài dẫn đến nguy cơ các đối tượng vi phạm tiếp tục thực hiện các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý dứt điểm các vi phạm về lấn chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác còn tồn đọng trên địa bàn quản lý; tiếp tục thống kê, rà soát toàn bộ diện tích đất trống trong quy hoạch lâm nghiệp, đất thu hồi sau khi xử lý vi phạm, sau giải tỏa và thực hiện trồng lại rừng ngay trong mùa mưa năm 2025.
Làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan của các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương cấp xã còn để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép trên diện tích đất bị phá, bị lấn chiếm nhưng không phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Môi trường giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh như Đà Lạt, Bảo Lộc, Bidoup - Núi Bà và các Đội Kiểm lâm cơ động, phòng cháy, chữa cháy rừng chủ trì, phối hợp với các đơn vị chủ rừng, cơ quan chức năng địa phương rà soát, lập hồ sơ xử lý các hành vi lấn, chiếm rừng theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp; khắc phục hậu quả, khôi phục lại rừng. Kiên quyết xử lý dứt điểm, toàn bộ, không để tồn tại các diện tích trồng cà phê dưới tán rừng trên địa bàn quản lý. Kiên quyết không để các đối tượng lấn chiếm canh tác, sử dụng, sang nhượng đất có nguồn gốc phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp.