Quyết tâm của con gái người đề xuất tên gọi TP.HCM
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp từ năm 1946 đã đề xuất tên gọi TP.HCM. Con gái ông theo chuyên ngành tiêu hóa, 'bởi miền Nam là miền sông nước, bệnh về đường tiêu hóa rất nhiều'.
Ngày 2/7/1976, Quốc hội quyết định đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng từ trước đó rất lâu, tháng 8/1954, trong bài thơ Ta đi tới, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ai đi Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang / Ai vô Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”. Lần giở những trang báo năm xưa, tôi mới biết, người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Nguyện ước về Nam để cống hiến

Bác sĩ Trần Kiều Miên bên tượng cha, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Ngày 27/8/1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã nêu ra ý tưởng và nhận được sự tán thành của nhiều nhân sĩ miền Nam yêu nước, thành một bản kiến nghị gửi lên Chính phủ. Báo Cứu Quốc năm ấy cũng đã có bài viết với nhan đề Thành phố Sài Gòn từ nay sẽ đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) là người đã cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng xây dựng nền dân y miền Nam từ giữa năm 1947. Năm 1956, ông là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ y tế trung ương. Với những cống hiến của mình, ông được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động.
Tôi muốn kể về người con gái của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp như một sự tiếp nối truyền thống đầy tự hào, một sự gắn bó máu thịt với TP.HCM. Vâng, tôi đang kể về bác sĩ Trần Kiều Miên - sinh năm 1951, Phó chủ tịch Hội Tiêu hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Tiêu hóa TP.HCM, cựu giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM.
Bác sĩ Kiều Miên là người con miền Nam nhưng trong những năm tháng chiến tranh trước năm 1975, cô học Trường đại học Y Hà Nội, tiếp bước cha mình. Thuở ấy, trước khi ra trường, các sinh viên đều có đề đạt 3 nguyện vọng. Nguyện vọng của bác sĩ Kiều Miên thực sự đặc biệt và cảm động. Nguyện vọng 1: về Nam, nguyện vọng 2: về Nam, nguyện vọng 3: về Nam.
Hồi bấy giờ, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Nguyện vọng về Nam khi ấy được gọi là đi B, thể hiện một lòng yêu nước nồng nàn, lòng dũng cảm và lý tưởng về ngày đất nước thống nhất. Cô sinh viên mới ra trường ấy hỏi Bộ Y tế và được cho lời khuyên chân thành là trình độ bác sĩ mới ra trường còn non lắm, nên trau dồi, học hỏi thêm để phục vụ tốt nhất ở chiến trường B. Nghe lời khuyên, cô quyết định ban đầu theo ngành hồi sức cấp cứu.
Cuộc gặp với người cha là bác sĩ vào cuối năm 1974, sau hơn 10 năm xa cách, đã đẩy dự định của cô sang một hướng khác. Nghe con nói nguyện vọng của mình, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp khuyên: “Con là người miền Nam, muốn về miền Nam phục vụ tốt nhất cho nhân dân mình thì nên học chuyên ngành tiêu hóa và phải học cho thật giỏi bởi miền Nam là miền sông nước, bệnh về đường tiêu hóa rất nhiều”.
Vậy là bác sĩ Kiều Miên quyết định đi theo chuyên ngành tiêu hóa. Cô được học bổng toàn phần chuyên ngành tiêu hóa tại Đại học Rostock (Cộng hòa Dân chủ Đức). Tại đây, cô học chuyên sâu thêm về nội soi tiêu hóa, đặc biệt học sâu thêm về nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP: Endoscopic Retrograde Cholangio Pancreatography) là kỹ thuật rất hiện đại và mới mẻ lúc đó.
Cần biết thêm rằng, cho đến nay, ERCP vẫn là một kỹ thuật đầy thách thức, khó khăn và làm ERCP rất thường bị “ăn” tia X-quang, có thể gây nguy hại, nên rất ít nữ bác sĩ theo đuổi. Chấp nhận thử thách để học thật giỏi một chuyên ngành khó cho thấy lòng yêu nước và ý chí phục vụ cao cả của cô bác sĩ trẻ.
(*) Trích từ bài viết Con gái người đề xuất tên gọi Thành phố Hồ Chí Minh. Tiêu đề và đoạn giới thiệu do biên tập đặt.
Nguồn Znews: https://znews.vn/quyet-tam-cua-con-gai-nguoi-de-xuat-ten-goi-tphcm-post1544971.html