Ruốc hay còn gọi là tép biển, hình dạng như tôm nhỏ, dài khoảng 10 đến 40 mm, sống ở vùng nước lợ và nước mặn.
Ruốc biển có nhiều vào mùa gió Tây Nam, khoảng đầu tháng 5 dương lịch, thường kéo dài đến 3 tháng. Dịp này đánh bắt được nhiều ruốc là rất hiếm gặp. Vì vậy, ngư dân tranh thủ khai thác “lộc biển” với hi vọng kiếm thêm nguồn thu nhập.
Sau khoảng 12 tiếng ra khơi, hàng chục tàu thuyền tại biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) trở về đều đầy ắp ruốc biển tươi rói trên khoang. Trên bến cảng, người dân và thương lái nhộn nhịp chen chúc nhau thu mua ruốc biển từ các tàu để đưa về chế biến.
Ngư dân Nguyễn Hữu Quang (53 tuổi, trú tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) vừa cho tàu cá có công suất khoảng 120CV vào cập cảng cá Cửa Sót, cho biết, tàu của ông đánh bắt ruốc trong phạm vi từ khoảng 3 đến 6 hải lý. Nhờ biển lặng, điều kiện thời tiết thuận lợi nên đã trúng gần 1 tấn ruốc.
Theo ngư dân cho biết, giá ruốc hiện tại từ 4.500 đến 7.000 đồng, tùy loại. Mặc dù giá ruốc thời điểm này rẻ hơn so với trước, nhưng nhờ đánh bắt được số lượng nhiều nên cũng có thu nhập đáng kể.
Trong 3 ngày qua tại cảng Cửa Sót có trên 60 lượt tàu trúng đậm ruốc biển với sản lượng 50 tấn. Đây là tín hiệu vui mừng thời gian qua biển động, tàu thuyền chỉ nằm bờ.
Ruốc biển sau khi đánh bắt đưa vào các cảng cá, bến bãi có bao nhiêu đều được thương lái thu mua hết. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, ruốc biển sau khi chế biến còn được xuất khẩu.
Ngoài việc để dùng làm thực phẩm tươi sống, ruốc biển còn được chế biến thành nhiều dạng như làm ruốc quết, muối mắm, ruốc phơi khô, hay kết hợp với các món ăn khác rất độc đáo, ngon và là thực phẩm đặc trưng của người dân vùng biển nơi đây.
Đánh bắt ruốc được mùa không chỉ vừa mang lại thu nhập cao cho ngư dân mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi của địa phương.
Nguyễn Sơn