Ra mắt công trình sách về sân khấu cải lương giai đoạn 1975-2025
Ngày 8-7, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Hội Sân Khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình ra mắt sách 'Sân khấu cải lương TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1975-2025'. Đây là công trình văn hóa tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Tập sách gồm 4 phần: "Sân khấu cải lương TP Hồ Chí Minh nhìn lại một chặng đường", "Nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn", "Thành phần sáng tạo trong sân khấu cải lương", "Nghệ sĩ và bài học quý trong diễn xuất". Đây không chỉ là một tư liệu quý mà còn là công trình có giá trị học thuật và nghệ thuật, quy tụ hơn 50 bài viết của các cây bút chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình, nghệ thuật biểu diễn.
Tại buổi ra mắt, các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhằm giúp các thế hệ nghệ sĩ và công chúng yêu cải lương có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về hành trình loại hình cải lương độc đáo, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ.
NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho biết, sân khấu cải lương - loại hình nghệ thuật đã hơn 100 năm tuổi tuy chưa thể gọi là trường tồn, nhưng hoàn toàn có khả năng đồng hành cùng thời gian nếu được gìn giữ và phát triển đúng hướng. Trước đây, sân khấu cải lương từng thực hiện những công trình ghi dấu chặng đường 20 năm và 50 năm. Còn tác phẩm lần này là món quà nhân kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Việc ra mắt sách nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn hành trình đã qua của sân khấu cải lương, đồng thời hình dung được hướng đi tương lai: "Một chặng đường vừa kế thừa truyền thống, vừa phát triển trong thời đại mới".
Là người gắn bó với cải lương nhiều năm, NSƯT Ca Lê Hồng - một Nhà nghiên cứu Sân khấu không khỏi xúc động, khi chứng kiến sự phát triển rộng khắp cả nước của cải lương với nhiều vở diễn được dàn dựng hoành tráng, công phu. Theo bà, cải lương là loại hình nghệ thuật đặc biệt, kế thừa từ hát bội và kịch nói, dung hòa giữa tĩnh và động - một sự pha trộn mà ít loại hình nào khác có thể đạt được trọn vẹn. Do đó, trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ lớn tuổi và các dấu mốc dễ bị bỏ quên, cuốn sách ra đời như một sự tri ân; đồng thời là cầu nối để thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục thấu hiểu, kế thừa và phát triển nghệ thuật cải lương.
Việc thực hiện và giới thiệu công trình sách này nhằm ghi nhận chặng đường phát triển, thể hiện trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa - trong đó cải lương, với bản sắc Nam Bộ đậm đà, xứng đáng được tôn vinh và trao truyền cho các thế hệ mai sau.