Ra mắt cuốn 'Câu view và Kinh tế chú ý' nhân dịp 21/6
Nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt bạn đọc tác phẩm 'Câu view và Kinh tế chú ý' của nhà báo Đỗ Đình Tấn.
Cuốn sách phân tích những tình huống và chiến lược mà các tổ chức hay cá nhân đẩy mạnh chiến lược quảng bá để thu hút sự chú ý của con người trên mọi nền tảng xã hội.
Tác phẩm với tên gọi đầy đủ “Câu view và Kinh tế chú ý: Cái mà bạn trả tiền thì đó là sản phẩm. Cái mà bạn không phải trả tiền thì chính bạn là sản phẩm để bán”.
Sách dày 288 trang, gồm 6 chương: Những nhà buôn chú ý; Mô hình thị trường sản phẩm kép; Kinh tế chú ý; Mua bán sự chú ý, cạnh tranh và lợi nhuận; Ai đã “giết” upworthy? Mồi nhử chuột? Facebook? Những tác hại của mạng xã hội; Cùng hành động cho lợi ích tốt nhất của con người.
Ngày nay, truyền thông xã hội (phương tiện) đã trở thành một phần cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta kết nối, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video và suy nghĩ của mình.
Truyền thông xã hội, cụ thể là các trang web, các ứng dụng… như mạng xã hội đã đồng hành với lợi ích của chúng ta và giúp chúng ta thực hiện những điều chúng ta mong muốn.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà internet cùng các ứng dụng của nó đã mang lại cho cuộc sống đa dạng và phong phú của chúng ta.
Thế nhưng, truyền thông xã hội cũng có một mặt khác, đó là thu hút sự chú ý của người dùng, các nền tảng mạng xã hội đều được thiết kế dựa trên công nghệ thuyết phục.
Công nghệ này được tạo ra, chủ yếu là để làm thay đổi quan điểm, thái độ hoặc hành vi của người dùng nhằm đạt được những mục tiêu của nó.
Từ nhiều nguồn thông tin cập nhật và nghiên cứu của nhiều tác giả, cuốn sách sẽ là câu trả lời cho những câu hỏi: “Câu view” là gì? Ai “câu view”? Vì sao phải “câu view”? “Câu view” để làm gì”? Những “người buôn chú ý” là ai? Kinh tế chú ý là gì? Vì sao một nền kinh tế lại có thể vận hành chỉ bằng nguồn tài nguyên phi vật chất là sự chú ý của con người?...
Phần cuối trong sách mang tới thông điệp “cùng hành động cho lợi ích tốt nhất của con người”. Chúng ta không thể chối bỏ những lợi ích mà thời đại thông tin và kinh tế chú ý mang lại.
Thế nhưng, để chống lại những hậu quả tiêu cực mà nó gây ra, chúng ta phải xem xét lại những cách suy nghĩ trên một cách sâu sắc, cả những thói quen đã có và tìm ra những cách mới để kết nối với những gì là quan trọng đối với chúng ta.
Chúng ta có thể làm gì và làm như thế nào để trở thành một người tiêu thụ thông minh và có trách nhiệm, cũng như có khả năng thúc đẩy một công nghệ phù hợp lợi ích tốt nhất của nhân loại.
Vì vậy, tất cả chúng ta, những người hiểu được mối nguy hiểm của truyền thông xã hội, cần phải có tiếng nói và tác động đúng mực để thay đổi những gì không phù hợp.