Ra mắt khóa học an toàn Internet miễn phí cho trẻ
Thông qua các video bài giảng cùng các bài tập tình huống thực tế, khóa học cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho người dùng Internet xoay quanh các chủ đề chính: bảo mật tài khoản, duyệt web an toàn, bảo mật thiết bị, nhận biết các hình thức tấn công, lừa đảo...
Internet là một không gian mở. Ngoài việc tạo ra cho trẻ em cơ hội phát triển toàn diện, Internet tiềm tàng những rủi ro, nguy hiểm đáng quan ngại, đặc biệt là khi các em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp.
Có thể kể đến một số vấn đề khi trẻ em sử dụng Internet sai cách như: tiếp xúc với nội dung độc hại; rò rỉ thông tin cá nhân; “bạo lực trắng”; tiêm nhiễm, dụ dỗ tham gia các hành vi vi phạm pháp luật; bệnh tật do nghiện sử dụng Internet...
Đáng chú ý là thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến ngày một phức tạp với các thủ đoạn, hình thức tinh vi, hướng đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, bao gồm trẻ em.
Theo Bộ Công an khuyến cáo, trẻ em cần đặc biệt cảnh giác với ba hình thức dẫn dụ phổ biến sau đây: Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm; Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
Tính đến tháng 11.2022, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 ghi nhận hơn 400 cuộc gọi xếp loại có vấn đề xâm hại trên môi trường mạng trong năm, bao gồm 20 trường hợp cần can thiệp khẩn cấp. Đặc biệt, 40% trẻ em chia sẻ bản thân cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet và 70% trẻ em từng ít nhất có 1 trải nghiệm không mong muốn trên Internet.
Cần ý thức rõ ràng rằng trẻ em thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, chưa trưởng thành về mặt nhận thức và tâm sinh lý nên dễ dàng bị tổn thương, lợi dụng bởi kẻ xấu. Tuy vậy, chỉ có khoảng 36% trẻ em được giáo dục an toàn Internet, tập trung ở độ tuổi 16 - 17, trong khi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại từ năm 09 tuổi.
Những con số “biết nói” trên đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về tính cấp thiết của việc toàn xã hội từ nhà trường đến cha mẹ cùng đồng hành giáo dục trẻ em trở thành các công dân số “nhí” hạnh phúc.
Để đảm bảo cho trải nghiệm sử dụng Internet của trẻ em được an toàn, lành mạnh, không thể sử dụng đến các biện pháp cực đoan như cấm đoán, bắt ép mà cần xuất phát từ tình yêu thương, sự đồng hành, sẻ chia.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ trẻ em tiếp xúc với các nội dung không phù hợp, phụ huynh có thể cài đặt một số ứng dụng, phần mềm phân biệt và chặn lọc các trang thông tin độc hại trên thiết bị thông minh của con trẻ.
Bên cạnh các giải pháp công nghệ, cha mẹ và giáo viên nên xây dựng một không gian mở khuyến khích các con tâm sự về vấn đề, thắc mắc của bản thân. Đặc biệt là cha mẹ nên chia sẻ, thống nhất với con trẻ rằng các trải nghiệm Internet như thế nào là phù hợp, về thời gian, địa điểm sử dụng, các thể loại thông tin tiếp nhận và rủi ro tiềm tàng.
Một giải pháp hữu ích là cha mẹ và thầy cô giáo viên đồng hành cùng con trẻ trong việc học tập về an toàn Internet, đồng thời nâng cao sự thấu hiểu, hỗ trợ nhau.
Nhằm cung cấp cho học sinh, sinh viên, người trưởng thành đang sử dụng Internet kiến thức nền tảng để sử dụng Internet có hiệu quả nhất, tổ chức phi chính phủ The Vietnam Foundation (VNF), thông qua chương trình Khan Academy Vietnam, đã chính thức Việt hóa khóa học an toàn Internet.
Thông qua các video bài giảng cùng các bài tập tình huống thực tế, khóa học cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho người dùng Internet xoay quanh các chủ đề chính: bảo mật tài khoản, duyệt web an toàn, bảo mật thiết bị, nhận biết các hình thức tấn công, lừa đảo qua mạng, kỹ thuật mã hóa dữ liệu và giao thức Internet an toàn.
Với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia Google, Tumblr, học viên có thể nâng cao lá chắn bảo vệ bản thân và gia đình trước những mối nguy tiềm tàng trên không gian số chỉ sau 90 phút học tập.
87% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày
Ngày càng nhiều trẻ em Việt Nam sử dụng Internet, về số lượng và thời lượng. Theo một khảo sát từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, trong riêng quý III.2022, 87% trẻ em Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày, trung bình từ 05 - 07 giờ. Ngoài việc học tập, các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em chủ yếu là vui chơi giải trí, kết nối liên lạc cùng bạn bè, người thân.
Khảo sát cho thấy chỉ 36% trẻ em Việt Nam được giáo dục an toàn Internet, chủ yếu ở độ tuổi 16 - 17 trong khi trung bình các em sử dụng điện thoại thông minh từ năm 9 tuổi. Giữa những rủi ro, nguy hiểm bủa vây trên không gian số, đâu là giải pháp bảo vệ cho các công dân số “nhí” trải nghiệm Internet an toàn, hạnh phúc?