Ra mắt Nhóm kỹ thuật chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa
Ngày 9/7, tại Hội thảo lần thứ 6 của Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức công bố Nhóm kỹ thuật chính sách, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giảm ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam lần thứ 6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức công bố Nhóm kỹ thuật chính sách, một cơ chế đặc biệt được thiết kế để thúc đẩy sự thống nhất giữa các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hành động về nhựa và tính tuần hoàn.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, làm trưởng nhóm gồm 15 thành viên là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và đối tác phát triển.
Nhóm sẽ hoạt động phối hợp chặt chẽ với hai nhóm kỹ thuật hiện hành của NPAP (Đổi mới sáng tạo và Tài chính, Bình đẳng giới và Bao trùm xã hội), qua đó giúp hài hòa chính sách, thúc đẩy thực thi và lồng ghép cơ sở dữ liệu, hướng đến triển khai hiệu quả các chính sách EPR và loại bỏ nhựa sử dụng một lần vào năm 2030.

Nhóm kỹ thuật Chính sách NPAP Việt Nam gồm các thành viên đến từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, các doanh nghiệp như Coca-Cola, Nestlé, TOMRA; và các đối tác như WWF, PRO Việt Nam, Đại sứ quán Canada, cùng các trường đại học (Kiến trúc, Phenika). Ảnh: UNDP
Chia sẻ tại sự kiện, ông Hồ Kiên Trung cho biết, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa là hành trình dài hạn và hệ thống, đòi hỏi sự đồng hành từ nhiều phía. "Nhóm kỹ thuật sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lộ trình tuần hoàn nhựa của Việt Nam. Hoạt động của Nhóm sẽ củng cố nền tảng chính sách cần thiết cho những thay đổi dài hạn, mang tính hệ thống và đóng góp cho cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững,” ông Kiên nhấn mạnh.
Mục tiêu của nhóm là thúc đẩy xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp với bối cảnh Việt Nam, hỗ trợ theo dõi – đánh giá tiến trình tuần hoàn, và nghiên cứu các mô hình chính sách hiệu quả để nhân rộng.
Kể từ khi thành lập vào năm 2020 trong khuôn khổ hợp tác giữa Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), NPAP Việt Nam đã phát triển thành một nền tảng đa bên hiệu quả, kết nối hơn 200 tổ chức trong và ngoài nước.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: UNDP
Phát biểu tại sự kiện, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đồng thời là Phó trưởng Nhóm NPAP, nhấn mạnh: “Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên mà NPAP đã góp phần định hình và lồng ghép nguyên tắc bao trùm vào các chính sách quốc gia. Đây là nền móng vững chắc để NPAP tiếp tục phát triển với vai trò là nền tảng đối tác đa chủ thể bền vững và do Việt Nam làm chủ.”
Sau 5 năm hoạt động, NPAP đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như: Hỗ trợ hơn 570 giải pháp sáng tạo, với tổng đầu tư trên 1 triệu USD, bao gồm hơn 620.000 USD vốn hạt giống.
Triển khai 160 dự án liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa. Hỗ trợ nâng cao năng lực, tiếp cận bảo hiểm và điều kiện làm việc an toàn cho hơn 7.000 nữ lao động phi chính thức trong ngành thu gom rác thải.
Việt Nam tích cực tham gia tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa từ vòng đàm phán INC-2.
Ngoài ra, các chính sách quan trọng đã được ban hành, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường, chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), phân loại rác tại nguồn, lộ trình loại bỏ nhựa dùng một lần và phát triển nhãn sinh thái...
Hướng đến Thỏa thuận toàn cầu và mục tiêu Net Zero
Trong năm 2025, NPAP xác định ba trọng tâm chiến lược: thúc đẩy hành động phối hợp, tăng cường năng lực kiến thức, và quy tụ đối thoại đa chủ thể. Một số nội dung cụ thể bao gồm:
Ra mắt Lộ trình tài chính đến 2030 (Q3/2025), hợp tác với KPMG nhằm xác định nhu cầu đầu tư và các kênh tài chính tiềm năng cho các sáng kiến tuần hoàn.
Ra mắt website NPAP Việt Nam vào tháng 9/2025 với chức năng theo dõi đổi mới sáng tạo, lập bản đồ sáng kiến và chia sẻ dữ liệu nhựa.
Tổ chức hội thảo đánh giá chính sách phân loại rác tại nguồn (12/2025) và hội thảo công bố dữ liệu ô nhiễm nhựa (Q4/2025).
Triển khai chiến dịch truyền thông hành vi giảm nhựa dùng một lần, giải chạy “Việt Nam Tôi Đó” và chuỗi Plastic Talks với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, học sinh – sinh viên.
Thúc đẩy hòa nhập trong chuỗi giá trị nhựa, bao gồm báo cáo tích hợp lao động phi chính thức và hướng dẫn lồng ghép bình đẳng giới (GESI) vào hoạt động quản lý nhựa.
Một nội dung trọng tâm khác tại Hội thảo là phiên tham vấn quốc gia chuẩn bị cho phiên họp INC-5.2 của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến diễn ra tháng 8/2025 tại Geneva.

Ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: UNDP
Ông Vũ Đức Đam Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-5.2 nhấn mạnh: “Đây là thời điểm then chốt để Việt Nam chủ động định hình đề xuất phù hợp điều kiện trong nước, đồng thời phát huy vai trò là thành viên tích cực của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tiến trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu.”
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường kỳ vọng, Nhóm kỹ thuật chính sách sẽ đóng vai trò tư vấn quan trọng giúp Việt Nam chuẩn bị nội dung đóng góp và xây dựng lộ trình triển khai khi thỏa thuận được thông qua.
Hoạt động của nhóm cũng gắn với các cam kết quốc gia, bao gồm mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa đại dương, loại bỏ nhựa dùng một lần tại các vùng ven biển vào năm 2030, và hướng đến trung hòa phát thải ròng (Net Zero).
Kết nối đa chiều – thúc đẩy giải pháp thực tiễn
Với ba nhóm kỹ thuật, gồm: Đổi mới sáng tạo và Tài chính, Bình đẳng giới và Bao trùm xã hội, và Chính sách, NPAP Việt Nam đang dần hoàn thiện cấu trúc vận hành để hỗ trợ triển khai các giải pháp tuần hoàn một cách đồng bộ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: UNDP
Bà Clemence Smith, Giám đốc Chương trình Đối tác Hành động Toàn cầu về Nhựa (GPAP), khẳng định: “Với sự tham gia của hơn 25 quốc gia vào GPAP, chúng tôi đang chứng kiến một cam kết mạnh mẽ nhằm giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm nhựa. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng mô hình NPAP, chuyển hóa mục tiêu chống ô nhiễm nhựa thành hành động thực tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thông qua kết nối tri thức toàn cầu và mạng lưới NPAP khu vực.”
Trong giai đoạn tới, thách thức về tài chính và giải pháp đầu nguồn (upstream solutions) như thiết kế sản phẩm, vật liệu thay thế, mô hình kinh doanh tuần hoàn... được xác định là trọng tâm cần hành động sớm. UNDP cam kết tiếp tục đồng hành trong danh mục hỗ trợ môi trường, khí hậu và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Việc ra mắt Nhóm kỹ thuật Chính sách không chỉ là bước tiến về mặt tổ chức, mà còn là một cam kết dài hạn trong việc hoạch định và thực thi chính sách dựa trên dữ liệu, minh bạch, và mang tính bao trùm. Trong bối cảnh quốc tế đẩy nhanh đàm phán Thỏa thuận toàn cầu, hành động từ cấp quốc gia như tại Việt Nam sẽ góp phần định hình tương lai không nhựa một cách toàn diện và bền vững.