Ra mắt sách về một nữ nhà báo 'quyết liệt sống'

Hôm nay (ngày 20.6), Nhà xuất bản Trẻ tổ chức chương trình ra mắt sách 'Quyết liệt sống' - một cuốn sách đặc biệt viết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Minh Hiền. Sự kiện diễn ra trong không khí ấm cúng, với sự góp mặt của người thân nhà báo Minh Hiền, lãnh đạo Nhà xuất bản Trẻ cùng đông đảo đồng nghiệp, bạn bè thân thiết của cố nhà báo.

Cuốn sách Quyết liệt sống ra mắt đúng dịp kỷ niệm lần thứ 99 Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 2024) và sau gần 8 năm ngày mất của nhà báo Minh Hiền. Cuốn sách có độ dày hơn 500 trang và sự dày dặn này đã phần nào nói lên về cuộc đời và sự nghiệp rất phong phú của bà cũng như tình cảm của gia đình, bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp dành cho bà. Và trong sự kiện ra mắt sách, những ký ức đẹp, những câu chuyện sống động về nữ nhà báo “quyết liệt sống” một lần nữa lại ùa về...

Quang cảnh buổi ra mắt sách Quyết liệt sống - một cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Minh Hiền sáng 20.6. Ảnh: Trung Dũng

Làm báo từ tuổi 13

Đây không phải là một cuốn hồi ký của tác giả, mà là tập hợp những bài viết của nhà báo Minh Hiền và về nhà báo Minh Hiền, do ông Nguyễn Hồ - chồng nhà báo Minh Hiền kỳ công viết, tổng hợp và biên soạn. Ông Nguyễn Hồ là nhà văn, nhà biên kịch, từng giữ chức vụ phó giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, giám đốc hãng phim TFS. Cụm từ "quyết liệt sống", được lấy từ bài viết của một bạn đồng nghiệp công tác ở báo Tuổi Trẻ, nhà báo Thủy Cúc.

Chọn Quyết liệt sống làm tựa cho tập sách, các tác giả muốn gợi lại những ký ức đẹp về nhà báo Minh Hiền: đồng hành, thủy chung cùng người bạn đời, cũng là đồng đội, đồng nghiệp, người cùng sống, chiến đấu, cùng chia ngọt sẻ bùi cuộc sống vợ chồng với bao gian khó trong chiến tranh lẫn khi hòa bình hay khi đối mặt với những thách thức bởi cuộc sống mưu sinh, bởi những rủi ro “sinh nghề tử nghiệp”, bởi bệnh tật... Cho dù trải qua 17 năm trời sống cùng căn bệnh nan y ngày đêm giày vò, bòn rút hết mọi tâm lực, cày xéo trên cơ thể mỏng manh, người phụ nữ ấy vẫn cứng cỏi, chiến đấu đến cùng với tử thần để kéo dài cuộc sống vì chồng con, vì đồng đội, vì bè bạn và vì sự nghiệp làm báo.

Bìa cuốn sách Quyết liệt sống. Ảnh: Nxb Trẻ

Cuộc đời của nhà báo Minh Hiền đã gắn bó với báo chí cách mạng từ rất sớm. Từ tuổi 13, bà thoát ly gia đình đi kháng chiến, làm việc ở báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Bà có mặt từ số báo đầu tiên ngày 20.12.1964 đến số báo cuối cùng vào tháng 7.1976, đây là thời điểm báo Giải Phóng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó, sau một thời gian học văn hóa và làm biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, bà Minh Hiền trở lại với sự nghiệp báo chí cho đến cuối đời.

Năm 1964, nhà báo Minh Hiền đã được chọn làm người chép bản tin đọc chậm của báo Giải Phóng. Không khí đặc trưng thời đó, bạn đọc thời nay khó lòng hình dung được: “trong đoàn lính mới Củ Chi lên đường về R (đại bản doanh của cách mạng miền Nam, trong đó có cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là báo Giải Phóng), cả 32 nam nữ trang phục và trang bị không giống bất cứ đoàn tân binh nào hành quân lên rừng. Áo quần, khăn nón, dép, bình toong nhựa đủ màu xanh đỏ trông giống một đoàn thanh thiếu niên học sinh nông thôn đi trại hè.

Đến trạm giao liên Suối Ông Hùng, cả đoàn bị máy bay địch phát hiện, ném bom gần, nhưng chỉ một đợt rồi thôi. Chúng lầm, nếu quan sát kỹ hơn, chắc chúng ném... kẹo mới phải. Trận bom tuy vậy cũng đủ làm cho cả đoàn lính mới ô hợp táo tác, mệt nhoài vì căng thẳng. Thành viên nhỏ yếu nhứt có cô bé không đủ sức đi bộ tiếp tục nên được ông Trần Tâm Trí, người phụ trách tuyển lính cho ngồi ba ga xe đạp của ông. Đó là cô bé quàng khăn đỏ Nguyễn Thị Hiền, sau này là nhà báo Nguyễn Minh Hiền.” …

“Về đến tòa soạn, ông thử cho bé Hiền chép tin đọc chậm trên đài phát thanh giải ph óng. Bản tin đọc chậm là cả một bài chánh tả dài nhưng cô bé chép không sai và dễ đọc. Tòa soạn đang cần một nhân viên như vậy để theo dõi tin tức thay thế cho các biên tập viên người lớn tập trung lo nội dung bài vở. Báo đang chuẩn bị ra số đầu tiên, tin chép trên đài là ngu ồn tin chính thống nhanh nhất lúc bấy giờ.”

Tác giả Nguyễn Hồ - chồng nhà báo Minh Hiền, chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Trung Dũng

Tác giả Nguyễn Hồ - chồng nhà báo Minh Hiền, chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Trung Dũng

“Nhà báo Đinh Phong kể, anh từ miền Bắc vào Nam, được phân công về báo Giải Phóng, ngạc nhiên thấy người báo cáo tin tức trong cuộc họp giao ban là cô bé tuổi quàng khăn đỏ. Thính giả của cô bé toàn là các chú bác lớn tuổi như Kỳ Phương, Trần Tâm Trí, Trần Đình Vân, Tô Quyên, Lê Phan và nhiều nhà báo khác đến từ mọi miền đất nước. Đặc biệt trong số thính giả có cả bác Ba Nghĩa, tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người đứng tên Chủ nhiệm tờ báo. Là phóng viên báo Nhân Dân, Đinh Phong chưa từng thấy cuộc giao ban tòa soạn nào giống như vậy.”

Nhà báo Minh Hiền ghi lại ấn tượng về những ngày đầu bỡ ngỡ: “Buổi tối đầu tiên đó đối với tôi thật kinh hoàng. Vừa ăn cơm chiều tại nhà ăn tập thể B2 về, đêm đã ập xuống. Rừng tối mịt mùng. Tiếng chim kêu vượn hú văng vẳng từ phía suối. Ba đứa chúng tôi quấn lấy nhau. Xuân (sau này là bác sĩ) và tôi ngủ chung võng, nhiều năm sau đó cũng vậy, cho đến lúc hai đứa ở hai đơn vị khác nhau.”

TS. Quách Thu Nguyệt chia sẻ câu chuyện về cơ duyên tiếp cận bản thảo cuốn sách, quá trình thực hiện cuốn sách đặc biệt này. Bà cho biết Quyết liệt sống là một trong hai cuốn sách khiến bà xúc động đến bật khóc khi đọc. Ảnh: Trung Dũng

Nhà báo Minh Hiền sau này đã được trui rèn từ những ngày đầu làm việc tại báo Giải Phóng như thế. Từ một cô bé chép tin đọc chậm, bà trở thành biên tập viên, phóng viên năng nổ của tờ báo. Bà thích viết bút ký, ký sự và có khao khát học thêm nhiều kiến thức. Trong bức thư gửi chồng vào khoảng năm 73, bà chia sẻ: “ … Em tự học tiếng Anh, học khó quá đi anh ạ, em sợ sau này em nói chỉ mình em nghe chứ không ai nghe được, giá như tổ chức cho em đi học vài tháng thì chắc là thích lắm.” Suốt cuộc đời làm nghề về sau, tự học và tự đọc luôn luôn là thói quen của bà (và ông Nguyễn Hồ), để bù cho hoàn cảnh thiếu điều kiện thời niên thiếu. Cũng nhờ tinh thần đó, bà dám dấn thân vào những lĩnh vực mới và đạt được nhiều thành tựu đáng nể.

Gầy dựng nhiều tờ báo ngay trong thời gian điều trị ung thư

Sau khi rời báo Đại Đoàn Kết cuối tuần, theo gợi ý của ông Trần Văn Tạo, khi đó là Trưởng ban tư tưởng Thành ủy, nhà báo Minh Hiền nhận lời làm tiếp tờ Thông tin Công Thương của Hiệp hội Công Thương TP.HCM, khi đó tờ này tạm đình bản đã lâu. Bà đánh giá tờ này có nhiều tác giả tầm chuyên gia, bài viết hay.

Nhà báo Trần Hữu Bảo, nguyên Tổng thư ký tòa soạn báo Doanh nhân Sài Gòn, cũng là đồng nghiệp thân thiết với nhà báo Minh Hiền ở nhiều cơ quan báo chí, chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Trung Dũng

Ê kíp ban đầu của tờ báo này chỉ có vài người, nhưng đều tâm huyết, tự tin và có được sự hỗ trợ và tin tưởng của doanh nhân và nhà in báo. Năm 1999, giữa lúc đang nỗ lực và báo Thông tin Công Thương còn chưa xong thủ tục cấp phép, thì bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng phát hiện nhà báo Minh Hiền có khối u ác tính. Có thể nói bà đã chống chọi với bệnh tật vừa tiếp tục làm việc để tờ Thông tin công thương vẫn phát hành, là niềm tin của doanh nhân Sài Gòn và bạn bè đồng nghiệp, có doanh thu.

Đến ngày 12.9.2001, số đầu tiên của tờ Doanh nhân Sài Gòn phát hành, in trên khổ báo A3 bề thế, dày 16 trang, trong đó có 9 trang quảng cáo. Trang nhứt in thư chúc mừng của Thủ tướng Phan Văn Khải, trong đó có đoạn “Mong rằng Doanh Nhân Sài Gòn làm tốt nhiệm vụ là diễn đàn của giới doanh nhân, những “chiến sĩ của thời bình” đang giữ trọng trách cùng dân tộc đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, đồng thời là cầu nối giữa doanh nhân với chính phủ, phản ánh tâm tư nguyện vọng của doanh nhân, góp phần hình thành cơ chế chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thực tiễn nước ta và xu hướng phát triển của thời đại”.

Báo Doanh nhân Sài Gòn thời kỳ đầu còn nhiều trắc trở về giấy phép, và nhiều thử thách khác, cụ thể như địa điểm đặt tòa soạn. Năm 2003 phải chuyển về nhà riêng của ông bà tại đường Nguyễn Thông. Tại căn hộ nhỏ này, trên báo Doanh nhân Sài Gòn, nhà báo Minh Hiền đề xuất lấy ngày 13.10 làm ngày Doanh nhân Việt Nam, đề xuất này được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt, ghi nhận vai trò lịch sử của giới doanh nhân.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên Tập tạp chí Doanh nhân Sài Gòn (trước đây là báo Doanh nhân Sài Gòn), chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Trung Dũng

Đến ngày 18.4.2004, Bộ Văn hóa Thông tin cấp phép khai sinh tuần báo Doanh nhân Sài GònDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần. Khi đó nhà báo Minh Hiền đã 52 tuổi, như vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Ngoài từ Doanh nhân Sài Gòn ra ngày thứ Tư và Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần, các phiên bản, Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng , Nữ Doanh Nhân lần lượt ra đời. Hình ảnh doanh nhân đậm nét, chân dung doanh nhân thành đạt ngày càng rạng rỡ.

Trang báo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần có những cuộc trò chuyện “Ăn trưa với doanh nhân” có rất nhiều người đọc, người ta đọc để biết được tâm trạng doanh nhân, và chia sẻ kỹ năng, tư duy chiến lược, chuyện làm giàu chính đáng. Nhiều chuyên mục có câu bút chuyên gia kết hợp với ký giả, kết hợp nghị luận và chuyên sâu. Các trang thương mại ô tô, thời trang có sức hấp dẫn. Ngay cả khi nhà báo Minh Hiền phải trải qua đại phẫu vào năm 2005 thì công việc vẫn không đình trệ. Các sự kiện vinh danh “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” hằng năm vào dịp 13.10 trở thành tâm điểm chú ý của mọi người.

Ngày 13.10 do báo Doanh nhân Sài Gòn đề xuất đã thành ngày hội của giới doanh nhân cả nước và ngày càng lan tỏa.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, một người em thân thiết, một đồng nghiệp gắn bó với nhà báo Minh Hiền, chia sẻ câu chuyện ít người biết về người bạn vong niên. Ảnh: Trung Dũng

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, một người em thân thiết, một đồng nghiệp gắn bó với nhà báo Minh Hiền, chia sẻ câu chuyện ít người biết về người bạn vong niên. Ảnh: Trung Dũng

Cuốn sách rất xúc động về tình nghĩa vợ chồng, tình đồng nghiệp

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, đây là một cuốn sách rất xúc động về tình nghĩa vợ chồng, tình đồng nghiệp, bằng hữu. Chia sẻ cùng Nhà xuất Trẻ về cuốn sách này, tác giả Nguyễn Hồ đùa, “xưa nay người ta hay làm thơ tặng vợ, còn tôi làm ‘thơ ký’ cho vợ.” Ngay cả với những người chưa từng biết nhà báo Minh Hiền cũng sẽ rung động trước hành trình 45 năm của hai người, từ “đám cưới giữa rừng”, những đồng cảm sâu sắc trong quan điểm sống và quá trình làm nghề, những chăm sóc lẫn nhau, nhất là trong những năm tháng cuối đời của bà.

Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét Quyết liệt sống là một cuốn sách xúc động về tình nghĩa vợ chồng. Ảnh: Trung Dũng

Như lời nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, cuốn sách này chứa một niềm “yêu thương hiền hòa”, và trong từng dấu mốc cuộc đời, khó lòng tách bạch mà luôn hòa quyện bóng dáng hai người, dù anh Nguyễn Hồ làm cuốn sách này với ý muốn kể lại ý chí sống quyết liệt của vợ chồng nhà báo - chiến sĩ trên rất nhiều chặng lịch sử mà đất nước đi qua. Dùng từ “Quyết liệt sống” mà giới báo chí gọi chị, nhưng đọc xong, thấy hình ảnh của anh như cố tình chìm sâu để đứng sau, làm nổi bật người vợ. Sách có nhiều câu chuyện và chi tiết đời thường, tình gia đình, chồng con với tình yêu thương sâu sắc, tình bạn bè, tình con người phong phú của cuộc đời hai nhà báo. Những ghi chép tỉ mỉ và sâu sắc thật cảm động của tác giả Nguyễn Hồ tràn đầy chi tiết đời thật và sâu nặng tình thương gia đình.

Nếu như trong phần 1, tác giả Nguyễn Hồ viết lại những năm tháng cuộc đời nhà báo Minh Hiền từ những dữ liệu và trí nhớ của mình, thì phần 2 là những trang nhật ký của ông từ năm 2013 đến phút cuối ông ở bên bà, khi bà ra đi vào năm 2016.

Ông tiễn bà bằng bài thơ Qua sông da diết:

1.

Tám tháng trời bên em

Ngày ngày và đêm đêm

Anh chờ nghe em nói

Lặng im và lặng im

2.

Thời gian như ngừng trôi

Niềm thương tràn ánh mắt

Ngửa bàn tay hư vô

Sáng trong ngời khuôn mặt

3.

Nhớ một thuở chiến trường

Anh đi về phía trước

Phía sau anh là rừng

Võng em rung cơn sốt

4.

Mỗi lần gặp lại nhau

Nụ cười pha nước mắt

Run rẩy những niềm đau

Trong vòng tay siết chặt

5.

Hậu chiến bốn mươi mùa

Đời vẫn lầy chiến địa

Trận bút với trường văn

Nhói đau lòng chữ nghĩa

6.

Bao tháng năm làm người

Bao nỗi buồn se thắt

Lặng lẽ với niềm vui

Khóc thầm không nước mắt

7.

Phân ly sắp đến rồi

Tóc rơi từng sợi lạnh

Em mấp máy làn môi

Ngón tay gầy hiu quạnh

8.

Nắm tay, nắm tay em

Tay tìm tay luyến tiếc

Hơi ấm bàn tay mềm

Không đành cho ly biệt

9.

Lặng lẽ nhìn bạn đời

Mười ngón gầy run rẩy

Đã đến đã đến rồi

Cuối đường đời gánh gãy

10.

Mộng ban đầu tan vỡ

Chưa kip ngấm niềm đau

Chưa biết phải về đâu

Đường còn xa biền biệt

11.

Anh Triết ơi. Anh Triết

Ngày cuối gọi tên anh

Lời trái tim da diết

Ký ức thuở rừng xanh

12.

Giờ cuối gọi tên con

Giữa nghìn trùng ly biệt

Bên ngưỡng cõi vô thường

Vẫn đứt từng đoạn ruột

14.

Những lúc ba, mẹ, con

Ba người ba châu lục

Thèm một cuộc đoàn viên

Không bến bờ xa cách

15.

Ngờ đâu ngày gặp mặt

Là lúc phải chia xa

Chuyến đò chiều em qua

Dòng sông mờ nước mắt

16.

Giờ nghìn thu yên giấc

Nơi cắt rốn chôn nhau

Bao nghĩa nặng tình sâu

Bao vì sao lấp lánh

17.

Từng sống với chiêm bao

Thiên đường nơi hạ giới

Từng đi chẳng đến đâu

Giờ thì em đã tới

18.

Tiễn em một lạy này

Hẹn nơi thương nhớ đầy

Hết khổ đau, ly biệt

Chân trời mây trắng bay.

23.4 - 27.7.2016

Nguyễn Hồ

Trải qua 52 năm theo đuổi nghề báo, quan sát, chứng kiến quá trình hình thành, phát triển của báo chí cách mạng miền Nam, dầu ở vị trí nào, khi tập tành chép tin, học làm báo qua sự chỉ dẫn của các cô chú, đồng đội đi trước, hay xông xáo trong cương vị phóng viên, tham gia Ban biên tập báo, thậm chí góp phần tạo lập và lãnh đạo một tờ báo mới toanh từ không có gì trở thành một tờ báo đường bệ, bản lĩnh, có nghề, tạo được sự tin yêu của cộng tác viên và bạn đọc, nhà báo Minh Hiền luôn lăn xả, bất chấp khó khăn, luôn thể hiện một tình yêu nghề mãnh liệt, ngay cả khi phải chiến đấu với bệnh tật, chống chọi những cơn đau thập tử nhất sinh vẫn đau đáu với nghề báo. Đọc Quyết liệt sống, chúng ta sẽ thấy đây không chỉ là câu chuyện cá nhân của một người vợ, người mẹ, một đồng nghiệp làm báo mà còn là một lát cắt câu chuyện của lịch sử làng báo miền Nam, làng báo Sài Gòn -TP.HCM trong hơn nửa thế kỷ phát triển.

Không chỉ vậy, tập sách còn có thể được coi như một tài liệu học tập nghề báo với những bài học, kinh nghiệm, kỹ năng làm báo, tình yêu nghề, đạo đức của người làm báo thông qua câu chuyện đời, chuyện nghề của nữ nhà báo Minh Hiền.

Cuốn sách Quyết liệt sống gồm có 4 phần:

Phần 1: “Kể chuyện những năm tháng đã qua” do ông Nguyễn Hồ - chồng bà Minh Hiền chấp bút. Phần này ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời của bà Minh Hiền từ tư liệu cũ và những điều ông biết, trong đó có những trang nhật ký và thư từ của bà.

Phần 2: “Hãy nắm tay em đi” là nhật ký của ông Nguyễn Hồ từ năm 2013 đến năm 2016, ghi lại cuộc chiến đấu cuối cùng của bà Minh Hiền với bệnh tật, những kỷ niệm cuối với chồng con và rất nhiều bạn bè, người thân. Đây có thể nói là phần xúc động nhất, cô đọng mối duyên chồng vợ 45 năm của ông bà, chưa bao giờ sẵn sàng cho ly biệt. “Nắm tay, nắm tay em/ Tay tìm tay luyến tiếc/ Hơi ấm bàn tay mềm/ Không đành cho ly biệt.” (Trích bài thơ ông Nguyễn Hồ viết cho vợ trong sách)

Phần 3: “Trời kêu nhưng tôi không dạ và 20 câu chuyện khác” là những bài viết/bài phỏng vấn của nhà báo Minh Hiền về chân dung nhiều nhân vật để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực: Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, Anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung, nhà văn Trang Thế Hy, doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, doanh nhân Lý Huy Sáng... . Đặc biệt, có một bài viết bà tự viết về chính mình (“Trời kêu, nhưng tôi không dạ!) và những gì đã trải qua trong quá trình chống chọi với căn bệnh ung thư. Vào thời đó, người bệnh ung thư có xu hướng giấu kín tình trạng của mình vì nhiều lý do; việc bà chịu công khai căn bệnh và là ví dụ sống cho một bệnh nhân lạc quan, tích cực, có tác động rất lớn đến những người bệnh khác. Bài viết của bà Minh Hiền đã được đưa vào cuốn “Ung thư xin đừng tuyệt vọng” của BS. Nguyễn Chấn Hùng, xuất bản vào năm 2009 (NXB Y học).

Phần 4: “Nhớ một người, thương một nghề” là bài viết của nhiều đồng nghiệp, thân hữu về nhà báo Minh Hiền với rất nhiều trân trọng.

__________________

Nhà báo Minh Hiền (bút danh: Hương Chi, Minh Hiền, Minh Nguyễn) tên thật là Nguyễn Thị Hiền (22.12.1951 – 23.4.2016), quê quán huyện Củ Chi TP.HCM. Từng công tác tại:

- Báo Giải Phóng (1964-1975)

- Báo Sài Gòn Giải Phóng (5 – 19.5.1975)

- Nhật báo Giải Phóng bộ mới (1975)

- Báo Đại Đoàn Kết (1975-1976)

- Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM (1978-1992)

- Phó Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM (1992-1997)

- Thư ký tòa soạn báo Đại Đoàn Kết Cuối tuần (1998)

- Tổng biên tập tờ tin Thông tin Công thương - tờ tin Doanh Nhân Sài Gòn - báo Doanh Nhân Sài Gòn (1999-2008)

- Thành viên Hội đồng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (2009-2012) và tạp chí Người Đô Thị (2012-2016).

Trà My

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ra-mat-sach-ve-mot-nu-nha-bao-quyet-liet-song-44127.html